Bộ Công thương tiến hành rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester nhập khẩu. |
Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Trước đó, ngày 13/10/2021, Bộ đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ 4 thị trường nêu trên.
Theo quy định khoản 1 Điều 58 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc một năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức, các bên liên quan có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ do các bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2954/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các tổ chức, cá nhân: Đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát. Hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát.
1 năm qua, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá theo Quyết định số 2302/QĐ-BCT đối với tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ là 54,90%; Indonesia là 21,94%; Malaysia là 21,23%; Trung Quốc từ 3,36% – 17,45%.
Theo Quyết định 2302, thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công thương).
Được biết, Bộ Công thương bắt đầu vụ việc điều tra từ tháng 4/2020 trên cơ sở đề nghị của của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 11/2019. Quá trình điều tra vụ việc được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới.
Kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.