Lỗ hoạt động cốt lõi 67,83 tỷ đồng trong quý IV/2022
Trong quý IV/2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.835,1 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,74 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,8% về còn 5,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 25,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 89,58 tỷ đồng về 264,87 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 23,7%, tương ứng tăng thêm 12,28 tỷ đồng lên 64,08 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 350,6%, tương ứng tăng thêm 120,85 tỷ đồng lên 155,32 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 14,5%, tương ứng giảm 30,04 tỷ đồng về 177,38 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 30,2%, tương ứng giảm 4,01 tỷ đồng về 9,28 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty ghi nhận lỗ 67,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 112,56 tỷ đồng, tức giảm 180,39 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.
Luỹ kế trong năm 2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 17.665,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 167,84 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tài chính của PET tăng đột biến trong năm 2022 do lỗ đầu tư chứng khoán (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh chi phí tài chính năm 2022 tăng đột biến từ 98,5 tỷ đồng lên 449,2 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý, trong năm tài chính, Công ty ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán lên tới 247,4 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch với doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 213,09 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà chỉ đạt 50,7%, thấp hơn rất nhiều kế hoạch kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Dòng tiền âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay với giá trị âm kỷ lục 569,2 tỷ đồng
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính còn ghi nhận âm 569,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 233,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.351,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 516,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của SSI, từ năm 2014 tới năm 2021, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm quá 569,2 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2021 với giá trị âm 150,07 tỷ đồng.
Thêm nữa, Petrosetco cũng vừa trải qua ba năm dòng tiền âm liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, năm 2020 ghi nhận âm 40,52 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận âm 150,07 tỷ đồng và năm 2022 ghi nhận âm 569,2 tỷ đồng.
Tất toán và cắt lỗ gần hết danh mục đầu tư chứng khoán trong quý IV
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Petrosetco tăng 6,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 561,1 tỷ đồng lên 9.054,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.936,6 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.438 tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.023,6 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, thời điểm 30/9/2022, Petrosetco ghi nhận đầu tư chứng khoán là 347,2 tỷ đồng và trích lập dự phòng 166,3 tỷ đồng, tạm lỗ 47,9% tổng danh mục. Tuy nhiên, tới thời điểm 31/12/2022, Công ty cho biết chỉ còn ghi nhận đầu tư chứng khoán 24,5 tỷ đồng, trích lập dự phòng 0,86 tỷ đồng.
Như vậy, nhiều khả năng Công ty đã tất toán và cắt lỗ gần hết danh mục đầu tư chứng khoán.
Sự trùng hợp thời điểm bán gần hết danh mục đầu tư chứng khoán, chi phí tài chính quý IV lại tăng 350,6% lên 155,32 tỷ đồng.
Trước đó, danh mục cổ phiếu đầu tư tới 30/6/2022 chủ yếu là 95,03 tỷ đồng cổ phiếu VIX, 57,92 tỷ đồng cổ phiếu VGS, 50,93 tỷ đồng cổ phiếu GEX, 41,94 tỷ đồng cổ phiếu SAM, và 173,5 tỷ đồng các cổ phiếu khác.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 14,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 532,7 tỷ đồng lên 4.188,7 tỷ đồng và chiếm 46,3% tổng nguồn vốn.
Petrosetco dừng kế hoạch chào bán 44,9 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng
Công ty sẽ dừng triển khai phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm 44,9 triệu cổ phiếu để huy động 673,78 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cho biết số tiền huy động dự kiến sử dụng 300 tỷ đồng trả nợ khoản vay thanh toán tiền hàng cho Apple tại BIDV; 273,78 tỷ đồng trả nợ khoản vay thanh toán tiền hàng cho Apple tại MBBank; 100 tỷ đồng trả nợ vay thanh toán tiền hàng cho Apple tại Vietcombank. Như vậy, 100% số tiền huy động, Công ty dùng trả nợ vay ngân hàng.
Theo tìm hiểu, tại BIDV – Chi nhánh Bình Tân, Petrosetco đang có 3 khoản nợ sắp đáo hạn. Trong đó, nợ 75,43 tỷ đồng đáo hạn ngày 27/1/2023; nợ 138,48 tỷ đồng đáo hạn ngày 9/1/2023; và nợ 90,21 tỷ đồng đáo hạn ngày 6/1/2023.
Tại MBBank, Petrosetco có 5 khoản nợ sắp đáo hạn. Trong đó, nợ 49,41 tỷ đồng đáo hạn ngày 18/1/2023; nợ 30,73 tỷ đồng đáo hạn ngày 18/1/2023; nợ 24,69 tỷ đồng đáo hạn ngày 16/1/2023; nợ 152,61 tỷ đồng đáo hạn ngày 10/1; và nợ 49,93 tỷ đồng đáo hạn ngày 8/1/2023.
Tại Vietcombank – Chi nhánh HCM, Petrosetco có dư nợ 114,62 tỷ đồng đáo hạn ngày 6/3/2023.
Như vậy, với việc dừng kế hoạch chào bán, Công ty phải tìm nguồn vốn khác để đáo nợ Ngân hàng chuẩn bị đáo hạn.