Trong quý IV/2022, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 5.330,7 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 325,6 tỷ đồng, tăng 85,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5,3% lên 6,1%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 32,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 80,82 tỷ đồng lên 326,66 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 42%, tương ứng tăng thêm 36,4 tỷ đồng lên 123,13 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 100,7%, tương ứng tăng thêm 45,73 tỷ đồng lên 91,16 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 205,9 lần, tương ứng tăng thêm 133,83 tỷ đồng lên 134,48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 82,9%, tương ứng tăng thêm 102,68 tỷ đồng lên 226,56 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong năm 2022, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 16.412,7 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 834,31 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 10.000 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 488 tỷ đồng, giảm 28%. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận đạt 834,31 tỷ đồng, Công ty đã vượt 71% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thêm nữa, về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận dương 1.509,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 137,98 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.708,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 321,3 tỷ đồng.
Tăng thêm 1.633,8 tỷ đồng tiền mặt trong năm 2022
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng 3,6% so với đầu năm, lên 25.776,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 10.057,8 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.990,5 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng tài sản; đầu tư tài sản dài hạn ghi nhận 4.890,7 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 3.070,2 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, biến động lớn nhất chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 19,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.633,8 tỷ đồng lên 10.057,8 tỷ đồng.
Cơ cấu tiền gửi có kỳ hạn của PVS tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC) |
Công ty thuyết minh đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, đầu năm là 2.676,7 tỷ đồng và cuối năm là 4.807,3 tỷ đồng. Trong đó, lãi suất tiền gửi đầu năm từ 2,8% đến 6,55%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất tiền gửi cuối năm 2022 đã lên từ 5,7% đến 10,4%/năm, đây là mức lãi suất cao hơn nhiều so với đầu năm.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 10,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 130,9 tỷ đồng lên 1.376 tỷ đồng và chiếm 5,3% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 5% tổng nguồn vốn).
Quỹ ngoại liên tục mua thêm cổ phiếu PVS
Ngày 27/12/2022, nhóm Dragon Capital vừa tiếp tục mua thêm 750.000 cổ phiếu PVS để nâng sở hữu từ 5,99% lên 6,15% vốn điều lệ.
Trong đó, quỹ Norges Bank mua vào 500.000 cổ phiếu và quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 250.000 cổ phiếu.
Trước đó, ngày 24/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 1,4 triệu cổ phiếu PVS. Trong đó, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 1 triệu cổ phiếu PVS; Norges Bank mua vào 300.000 cổ phiếu PVS; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 100.000 cổ phiếu PVS.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, cổ phiếu PVS tăng 200 đồng lên 25.200 đồng/cổ phiếu.