Thoát lỗ quý IV nhờ doanh thu tài chính
Trong quý IV/2022, Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI ghi nhận doanh thu đạt 1.708,65 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 25,09 tỷ đồng, giảm 70,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,5% về còn 8,4%.
Được biết, từ quý III/2021 đến quý III/2022, biên lợi nhuận gộp của Công ty luôn duy trì cao hơn 8,4%, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là quý III/2021 với giá trị 8,97%.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm 11% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 17,77 tỷ đồng về 143,37 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 45,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 14,27 tỷ đồng lên 45,66 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 141,8%, tương ứng tăng thêm 60,77 tỷ đồng lên 103,64 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26,8%, tương ứng tăng thêm 14,11 tỷ đồng lên 66,74 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty ghi nhận lỗ 27,01 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 65,64 tỷ đồng, tức giảm 92,65 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý cuối năm 2022, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính.
Luỹ kế trong năm 2022, Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI ghi nhận doanh thu đạt 7.930,52 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 559,22 tỷ đồng, tăng 290,2% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI có dấu hiệu bắt đầu giảm mạnh trở lại trong quý cuối năm 2022.
Không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 8.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, chỉ đạt 62,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI tăng 7,4% so với đầu năm lên 8.111,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.511,7 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.515,1 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.321,3 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.001,7 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, biến động chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 13,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 203,2 tỷ đồng về 1.321,3 tỷ đồng; tồn kho tăng 18,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 236,5 tỷ đồng lên 1.515,1 tỷ đồng …
Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2022, Công ty có ghi nhận tài sản dài hạn khác 321,8 tỷ đồng so với đầu năm chỉ là 6,8 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh chủ yếu ghi nhận 318,6 tỷ đồng lợi thế thương mại so với đầu năm không ghi nhận. Tuy nhiên, Công ty không thuyết minh chi tiết lợi thế thương mại xuất phát từ giao dịch nào.
Trước đó, tại thời điểm 30/9/2022, lần đầu tiên xuất hiện khoản mục lợi thế thương mại 327 tỷ đồng, Công ty cho biết đây là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua Công ty con.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 3,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 130,4 tỷ đồng lên 4.070,3 tỷ đồng và chiếm 50,2% tổng nguồn vốn.
Xuất khẩu thuỷ sản lần đầu tiên tăng trưởng âm trong năm 2022
Ở một diễn biến khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11/2022, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm lần đầu tiên kể từ đầu năm, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt 780 triệu USD. Đà giảm này chủ yếu do xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm mạnh từ 20% đến 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 11 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 63% so với cùng kỳ, đạt 2,3 tỷ USD; xuất khẩu tôm tăng 14%, đạt 4 tỷ USD; xuất khẩu cá ngừ tăng 40%, đạt 941 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 30%, đạt 704 triệu USD.
VASEP cho biết, giai đoạn nửa cuối năm, nhu cầu thị trường tụt dốc khiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại, thể hiện rõ nhất ở kết quả quý IV.
Dự báo, tháng 12, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm này có thể kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho quý I/2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải.
Có 3 nguyên nhân chính tác động tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2023, bao gồm biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng; và cạnh tranh ngày một gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador, Ấn Độ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/1, cổ phiếu IDI tăng 350 đồng lên 13.450 đồng/cổ phiếu.