Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tổ – (Ảnh: Duy Linh). |
Quy hoạch này có tính dẫn dắt, nền tảng cho các quy hoạch khác, đây là nhiệm vụ mới, khó nhưng rất cần thiết và cấp bách, không lùi được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi âm ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về Quy hoạch Tổng thể quốc gia, sáng ngày 6/1.
Trước đó, cùng tổ thảo luận, ý kiến các đại biểu ở các đoàn đại biểu Quảng Trị, Khánh Hoà, Thái Bình đều đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu của Chính phủ, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội.
Cần xác định rõ mức độ chi tiết
“Nhìn vào toàn bộ hồ sơ thì có thể thấy được sự chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu, giải trình khá đầy đủ các ý kiến đóng góp của các bộ ban ngành, các địa phương, của giới chuyên gia, nhà khoa học. Dự thảo Quy hoạch cũng đã nghiên cứu tham khảo một cách cẩn trọng kinh nghiệm quốc tế được đúc rút, đặc biệt là các trường hợp của Hàn Quốc và Malaysia, những quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận xét.
Đại biểu Đồng và nhiều đại biểu khác cũng chia sẻ sự khó khăn của việc lập quy hoạch lần đầu tiên, chưa có tiền lệ này.
Tuy nhiên, dù không cầu toàn các đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện nhiều nội dung về liên kết vùng, không gian biển, các hành lang kinh tế… để quy hoạch vừa có thể mang tính dẫn dắt cho quy hoạch cấp dưới, song không “bó tay bó chân” khi triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, kịch bản phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 chưa cập nhật đánh giá tác động tiêu cực của giai đoạn đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội nên mục tiêu đưa ra cho cả giai đoạn 2021-2030 khá cao, khó khả thi. Mặt khác, hồ sơ cũng chưa làm rõ được Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra được những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) góp ý, Quy hoạch cần xác định rõ mức độ chi tiết để không can thiệp vào quy hoạch cấp dưới, nếu can thiệp quá sâu thì sau này rất khó. Quan điểm này cũng được một số vị khác đồng tình.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, đây là quy hoạch tổng thể nên cần phải xác định mức độ chi tiết, nếu không rất dễ can thiệp quá sâu vào quy hoạch cấp dưới.
Ông Tuấn Anh cũng lưu ý là bên cạnh nghị quyết phát triển 6 vùng kinh tế – xã hội còn có nghị quyết về đô thị, về đất đai, tam nông… vì thế cần bám sát tất cả các nghị quyết này để thể hiện rõ các quan điểm chỉ đạo, đường hướng phát triển…
Cạnh đó, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm kỳ này cần phải giải quyết được vấn đề liên kết vùng, vì thế quy hoạch cần quan tâm hơn đến câu chuyện này.
“Nên tìm thuê chuyên gia giỏi nhất về quy hoạch của thế giới , đắt cũng được, để họ cùng làm với mình, thì độ tin tưởng cao hơn”, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) góp ý.
7 vấn đề rất khó
Khẳng định các vị đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, có giá trị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tiếp để làm sao có được quy hoạch tốt nhất, có một tầm nhìn dài hạn cho đất nước.
Theo Bộ trưởng, Luật Quy hoạch đã thể hiện sự cải cách rất lớn, thay đổi được về tư duy, cách tiếp cận, khắc phục được sự phân tán.
Trước đây, chúng ta có 3.650 quy hoạch, bây giờ giảm đi được 97%, chỉ còn 111 quy hoạch, đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 63 quy hoạch của các tỉnh, 39 quy hoạch của các ngành, Bộ trưởng so sánh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia là có tính chất dẫn dắt, nền tảng để lập các quy hoạch khác, lập quy hoạch này là việc rất khó, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc này rất cần thiết, rất cấp bách, được thực hiện theo Luật Quy hoạch và cả các nghị quyết của Trung ương, không thể lùi được.
Người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ lập Quy hoạch cũng nêu 7 vấn đề rất khó trong việc lập Quy hoạch này.
Thứ nhất, nói đến liên kết vùng là nói đến không gian phát triển mới của đất nước, trong khi đã định hình 6 vùng kinh tế – xã hội rồi thì phải kế thừa, ổn định trên nguyên tắc kế thừa 6 vùng đó, chứ chưa đặt vấn đề là lập lại các vùng.
Thứ hai là vấn đề hạ tầng, cái khó, theo Bộ trưởng là định hình thành không gian giao thông, về đô thị, về văn hóa quốc phòng, an ninh, thì cũng đã tồn tại, hình thành rồi, quy hoạch trên nền tảng đã có nên rất khó.
Thứ ba là lần đầu tiên lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, chưa có tiền lệ, chưa có tiền lệ thì chưa có kinh nghiệm.
“Kể cả kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đã đi nghiên cứu rất nhiều, không có tư vấn nào lập thay chúng ta được. Chúng ta là người hiểu chúng ta nhất, không ai hiểu chúng ta bằng chúng ta, thế nên kinh nghiệm quốc tế là để tham khảo, chắt lọc nhưng phải áp vào điều kiện thực tế của chúng ta chứ chúng ta không thể đi thuê một ông nước ngoài vào làm quy hoạch cho ta. Chúng ta chỉ lấy tư tưởng, phương pháp, cách tiếp cận chứ không thể bê mô hình của họ vào được”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Cái khó thứ tư được Bộ trưởng đề cập, đó là lần đầu tiên lập quy hoạch tích hợp. “Từ xưa đến nay là ngành nào làm ngành ấy, địa phương nào lập quy hoạch địa phương ấy. Lần này chúng ta tích hợp tất cả vào trong một quy hoạch, thì rất phức tạp và rất khó”, Bộ trưởng cho hay.
Tiếp theo, cái khó thứ 5 theo Bộ trưởng là rất nhiều nghị quyết chủ trương mới của Đảng đều cần phải bám sát và cơ quan lập quy hoạch đã bám sát tất cả.
Cái khó thứ 6 là Quy hoạch còn phải bám sát các xu thế của thế giới thay đổi biến động liên tục. Khi chúng ta đặt vấn đề về quy hoạch này chúng ta chưa có hình thành tư tưởng về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa nói đến kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm .
Rồi vấn đề năng lượng hay an ninh năng lượng, quốc phòng, an ninh… thế giới thay đổi liên tục, biến động rất mạn cũng tác động vào những vấn đề của quy hoạch.
Cuối cùng, cái khó thứ 7, theo Bộ trưởng là thời gian và lực lượng nghiên cứu mỏng, hạn chế, chưa ai làm Quy hoạch tổng thể bao giờ.
Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là mức độ chi tiết của Quy hoạch, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề lớn nhất, nếu chi tiết quá thì trùng với quy hoạch cấp dưới, thứ hai nữa là sẽ bó chân bó tay. Trong quá trình thực hiện nếu cấp dưới có cần điều chỉnh, thay đổi thì phải thay đổi, quy hoạch cấp trên thì rất phức tạp.
Thế nhưng, nếu Quy hoạch mà khái quát hóa, chung chung quá thì lại trở thành nghị quyết. Vậy thì xác định ranh giới giữa cụ thể và khái quát là rất khó, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo nghị trình, sáng mai, ngày 7/1 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Quy hoạch, trước khi bấm nút vào chiều 9/1.