Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiệm vụ năm 2022 về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã báo cáo những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; tăng cường đoàn kết, thống nhất, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát… góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống dịch bệnh.
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh |
Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), trong đó có 3 năm 2020, 2021, 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt 269.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu, cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng, Trường THPT Hòn Gai…
Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Điều này mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người phát triển toàn diện, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền. Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh (cao hơn mức bình quân chung của cả nước). Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch vừa qua.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh báo cáo với đoàn công tác. |
Qua nghe báo cáo của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả nổi bật, toàn diện trong công tác tổ chức xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ chiến lược có đủ phẩm chất năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.
Nổi bật là Quảng Ninh nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, làm cơ sở triển khai, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Quảng Ninh. Đặc biệt. Quảng Ninh đã triển khai lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động, nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém, sai phạm được chỉ ra qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra; giữ vững sự đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, trước hết từ các cơ quan lãnh đạo và đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn; năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân. Thực tiễn Quảng Ninh đã đóng góp được nhiều bài học kinh nghiệm quý trong công xây dựng, chỉnh đốn Đảng của cả nước.
Từ chú trọng đúng mức công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật gắn với khuyến khích đổi mới sáng tạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực… đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục giữ được đà đổi mới sáng tạo, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ; trở thành một tỉnh dịch vụ công nghiệp giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đầu tàu kinh tế của phía Bắc, nhân dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Năm 2023 – năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đặt ra là tới năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Với nền tảng sẵn có của một cực tăng trưởng của phía Bắc, Quảng Ninh cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, phát huy truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng – cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; phát huy tiềm năng thế mạnh, cơ hội phát triển để phấn đấu trở thành một tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được khánh thành ngày 1/9/2022 đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km đường cao tốc lớn nhất cả nước đến hiện tại. |
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải quan tâm toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển như Quảng Ninh. Đồng thời, phải quan tâm công tác quản lý đảng viên, phát triển đảng viên, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục sơ kết, tổng kết các mô hình tổ chức, góp thêm kinh nghiệm cho cả nước; nghiên cứu nghiêm túc để chuyển đổi mô hình chính quyền đô thị phù hợp với giai đoạn mới, mang lại giá trị tốt hơn cho chính cuộc sống nhân dân.
Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ lợi thế giao thông chiến lược. Trong quá trình phát triển cần tiếp tục quan tâm đến đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa, con người Quảng Ninh để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt khi đã chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thì phải gắn chặt với quá trình đô thị hóa, hạ tầng đồng bộ để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người là 10.000 USD và đến năm 2030 là 15.000 USD thì Quảng Ninh càng phải quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, nơi còn có điều kiện khó khăn để không nảy sinh phân hóa giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, việc thành bại là do công tác cán bộ, Quảng Ninh cần tiếp tục chú trọng làm tốt, chăm lo cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.