Từ cuối năm 2022, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Sở Công thương đã chủ động ban hành các văn bản phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương và đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh theo dõi sát sao diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hoá để kịp thời có những giải pháp điều tiết nếu phát hiện có hiện tượng tăng giá trái quy định.
Định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các đơn vị gửi báo cáo nhanh về Sở Công Thương để tổng hợp thông tin thị trường báo cáo UBND tỉnh. Riêng một tuần trước Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 16/01 đến Tết Nguyên đán 2023), Sở Công thương sẽ có bộ phận tổng hợp thường xuyên tình hình cung cầu, giá cả thị trường để kịp thời theo dõi, phát hiện và có phương án giải quyết vấn đề phát sinh khi có biến động thị trường. Phấn đấu đảm bảo cho người dân trên địa bàn tỉnh an tâm đón Tết Nguyên đán “tiết kiệm, ấm no và an toàn”.
Lượng hàng hoá cung ứng dịp Tết nguyên đán 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1.300 tỷ đồng. Ảnh: Thu Lê. |
Đến nay, tình hình dự trữ hàng hoá cũng như cung cầu hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, chưa phát hiện hiện tượng găm hàng, đầu cơ trục lợi, hay tăng giá trái quy định. Theo tổng hợp của Sở Công thương, các đơn vị đã sẵn sàng cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán với tổng giá trị hàng hoá ước tính đến thời điểm hiện tại trên 1.300 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng trong sinh hoạt và dịp Tết…).
Trong đó, chuỗi cửa hàng Winmart+ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng dự kiến chuẩn bị khoảng 170 tỷ đồng, siêu thị Go! Hạ Long khoảng 117 tỷ đồng, siêu thị MM Mega Market khoảng 110 tỷ đồng, hệ thống siêu thị Winmart khoảng 67 tỷ; hệ thống siêu thị Lan Chi khoảng 43 tỷ; siêu thị Aloha mall khoảng 25 tỷ đồng…
“Hàng hoá phong phú, đa dạng về chủng loại và quy cách đóng gói; mẫu mã đã có cải thiện thu hút khách tham quan mua sắm… Sở Công thương đã nhận được bản cam kết của 13 đơn vị phân phối hàng hoá thiết yếu, tổng hợp trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo sẽ đáp ứng đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh”, đại diện sở Công thương cho hay.
Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi sẽ có giờ đóng và mở cửa trước và sau thời gian ngày hoạt động bình thường là 60’ đảm bảo thời gian phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi hoàn cảnh. Đối với ngày cuối cùng của năm (chiều 30 Tết Nguyên đán) các đơn vị mở cửa đón khách đến trước 13h-15h00’ cùng ngày, riêng siêu thị tổng hợp TTP Cẩm Phả tiếp tục mở cửa đón khách đến hết 21h00 tối ngày 30 Tết.
Đối với mặt hàng xăng dầu, thực hiện chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng và đơn vị liên quan ban hành các văn bản kết hợp thường xuyên giám sát việc xung ứng mặt hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đối với mặt hàng nói trên luôn đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng nhiên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh; giá cả luôn đảm bảo bán theo đúng quy định.
Mặt khác, năm nay, tình trạng hàng hoá nông – thuỷ sản của người dân, doanh nghiệp bị tồn trên địa bản tỉnh không diễn ra. Theo rà soát giữa Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các địa phương trong tỉnh về các sản phẩm nông, thuỷ sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ, thì đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong dịp trước Tết.