Ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) cho hay, hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2022 có sự đan xen của nhiều khó khăn và thuận lợi.
Cụ thể, có những dự án mua thiết bị của Nga, Ukraine, châu Âu đã gặp phải thách thức lớn trong việc cung cấp các thiết bị liên quan do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga – Ukraine hay việc châu Âu thiếu điện nên giảm sản xuất.
Tổng giám đốc PVEP Trần Hồng Nam |
Tuy nhiên, năm 2022 cũng có thuận lợi khi giá dầu ở mức cao so với kế hoạch, khiến cho kết quả đạt được của doanh nghiệp rất khả quan.
Cụ thể, PVEP đã hoàn thành và về đích trước 123 ngày kế hoạch khai thác khí, trước 26 ngày về kế hoạch khai thác dầu, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu tài chính (doanh thu, nộp ngân sách nhà nước…).
Sản lượng khai thác năm 2022 của PVEP là 3,66 triệu tấn quy dầu, đạt 115% kế hoạch năm, trong đó: sản lượng dầu và condensate là 2,48 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch năm; sản lượng khí xuất bán là 1.185 triệu m3, đạt 143% kế hoạch năm.
Gia tăng trữ lượng trong nước phần PVEP đạt 0,64 triệu tấn quy dầu, tương đương 113% kế hoạch năm.
Song song đó là việc giá dầu duy trì trung bình ở mức khả quan nên PVEP đã đạt tổng doanh thu khoảng 44.500 tỷ đồng, đạt 174% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế trước phân bổ chi phí ước tính 26.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trước phân bổ chi phí ước tính 14.750 tỷ đồng; nộp NSNN ước đạt 15.270 tỷ đồng, đạt 213% kế hoạch năm.
Một số thành viên của PVEP cũng có kết quả hoạt động tích cực như Cửu Long JOC đã đạt mốc khai thác 400 triệu thùng dầu và đóng góp cho ngân sách nhà nước là 10,6 tỷ USD kể từ đầu dự án tới nay. Hoàng Long JOC cũng đã đạt mốc 100 triệu thùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 3,2 tỷ USD kể từ đầu dự án tới nay.
Nhờ giá dầu cao và quản trị chi phí tốt nên các chỉ tiêu tài chính của PVEP rất khả quan, tình hình tài chính được cải thiện rất cơ bản, minh bạch và lành mạnh hơn.
“Năm 2017, PVEP bị vào danh sách giám sát tài chính đặc biệt và tới năm 2019 dù đã kết thúc giám sát tài chính đặc biệt, nhưng vẫn lỗ luỹ kế là 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2022 chỉ còn lỗ luỹ kế khoảng 3.300 tỷ đồng và dự kiến sẽ hết hẳn vào quý I/2023. Chi phí rủi ro năm 2016 là 43.000 -45.000 tỷ đồng thì tới hết năm 2022 chỉ còn 16.000 tỷ đồng”, ông Nam cho hay.
Bước vào năm 2023, mục tiêu của PVEP là tiếp tục tập trung quản trị sự biến động, thúc đẩy đầu tư để có tăng trưởng trong sản lượng khai thác.
“PVEV đã có đánh giá từng dự án và đưa ra chiến lược cụ thể cho các dự án này trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. Chúng tôi cũng chờ mong Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng trong dài hạn”, ông Trần Hồng Nam chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc PVEP, hiện có 4 lô dầu khí sẽ hết hạn hoạt động vào năm 2025, nhưng Luật Dầu khí mới có hiệu lực sẽ giúp kéo dài thời gian và nếu PVEP có thể tiến hành đầu tư thêm 2,7 tỷ USD thì phần thu được của Nhà nước tại các dự án này sẽ thêm 10 tỷ USD nữa.
Ngoài ra, cũng có 6 lô dầu khí khác mà theo tính toán hiện nay thì khi phát triển sẽ dẫn tới hiệu quả kinh tế là âm khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, nếu có thêm các chính sách ưu đãi hơn thì khi phát triển các lô này sẽ giúp đóng góp được thêm 1,5 tỷ USD cho ngân sách nhà nước.
“PVEP có một số đề xuất đã được chuẩn bị nhưng nếu trình bây giờ thì phải áp dụng luật cũ. Vì vậy nhiệm vụ thời gian tới là sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để có các hướng dẫn thi hành cụ thể dưới Luật, giúp cho các hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi, đóng góp được nhiều hơn cho ngân sách nhà nước”, đại diện PVEP cho hay.