Nguy cơ rình rập ngày Tết
Mâm cỗ Tết thường xuất hiện các món ăn giàu calo, nhiều dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, nem rán, giò xào (giò thủ), thịt đông, thịt kho trứng… cùng với đó là đủ loại bánh mứt kẹo, nước ngọt, nước có gas.
Ăn thức ăn giàu calo, nhiều dầu mỡ, đường, nước có gas, rượu, bia dịp Tết sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người. |
Theo chuyên gia, việc dùng nhiều những thực phẩm này sẽ góp phần làm tăng cân, tăng cholesterol xấu và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.
PGS.TS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Việc uống quá nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp tạm thời (nếu chỉ uống say 1 lần) hoặc lâu dài (nếu uống nhiều rượu trong nhiều lần và nhiều ngày liên tiếp). Một số người còn bị tình trạng tim đập nhanh hoặc loạn nhịp sau khi sử dụng một lượng lớn thức uống có cồn.
Ngoài ra, lối sinh hoạt không lành mạnh ngày Tết như ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông – căn nguyên gây đột quỵ tim; thức khuya, ngủ không đủ giấc hoặc bị gián đoạn giấc ngủ sẽ góp phần gây ra các vấn đề về huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đái tháo đường, đột quỵ.
Thời tiết lạnh hiện nay cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến các bệnh lý tim mạch gia tăng. TS. Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, mỗi ngày, tại các trung tâm tim mạch lớn trong đó có Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.
Chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó nhập viện và số lượng này tăng cao trong những ngày đông giá lạnh.
Theo TS. Tuấn Anh, thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Lý do là về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Thực tế cho thấy hiện đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.
Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa,….
Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.
Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm. Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.
Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Giảm áp lực cho cơ thể
Theo PGS. Phạm Nguyễn Vinh, để bảo đảm sức khỏe, vui vẻ đón Tết, người bệnh tim mạch cần lưu ý nhiều vấn đề. Đầu tiên, không nên dồn nhiều hoạt động vào mấy ngày Tết.
“Thống kê cho thấy đỉnh điểm của các cơn đột quỵ tim thường rơi vào đêm Giao thừa và 3 ngày Tết, khiến số lượng bệnh nhân trong phòng cấp cứu tăng đột biến vào những ngày này”, bác sĩ Vinh nói.
Sở dĩ như vậy là do thời gian căng thẳng về cảm xúc và thể chất khi chuẩn bị Tết và di chuyển về quê ăn Tết, sau đó lại tụ tập, vui chơi triền miên nhiều ngày tết làm đảo lộn sinh hoạt của một người.
Tất cả những điều này cộng lại sẽ khiến cơ thể bị stress, tạo áp lực cho tim và khiến tim phải làm việc nhiều hơn, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, theo chuyên gia, chúng ta cần cân đối các hoạt động để có khoảng nghỉ cần thiết cho cơ thể cũng như giảm áp lực cho quả tim.
Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn ngày Tết. Dù là ngày lễ hay ngày bình thường, chúng ta cần tính toán khẩu phần ăn đa dạng thực phẩm nhưng cân đối 4 nhóm chất chính (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Khẩu phần ăn lý tưởng dành cho người mắc bệnh tim cần có ít nhất 5 khẩu phần rau và trái cây mỗi ngày (mỗi khẩu phần tương đương 80g). Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, không bỏ bữa và nên ăn đúng giờ.
Song song đó, cần hạn chế dùng món ăn có nhiều calo và cholesterol xấu vì chúng dễ gây tăng cân và làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa, gây bệnh mạch vành.
Ngoài ra, người dân lưu ý ngủ đủ giấc và không thức khuya. Những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có xu hướng gặp nhiều rủi ro về tim mạch như tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu (có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường), tăng nguy cơ viêm, béo phì hơn những người ngủ đủ giấc.
Thiếu ngủ còn có liên quan đến việc tăng lượng canxi tích tụ trong động mạch của tim, gây xơ vữa, hẹp động mạch dẫn tới nhồi máu cơ tim. Vì thế, để tránh những vấn đề tim mạch ngày Tết, mọi người hãy cố gắng ngủ tối thiểu 7 giờ mỗi đêm và không ngủ muộn sau 23 giờ.
Để hạn chế bệnh lý tim mạch, mọi người cần tập thể dục đều đặn, tránh ngồi ăn uống/tụ tập một chỗ quá lâu; kiểm soát lượng rượu bia nạp vào.
“Nếu bị tăng huyết áp, người dân cần kiêng rượu bia hoặc chỉ uống ở mức độ vừa phải, tối đa 1 khẩu phần/ngày đối với phụ nữ và 2 khẩu phần/ngày đối với nam giới (1 khẩu phần tương đương 355ml bia, 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu mạnh)”, PGS. Vinh khuyến cáo.
Người có bệnh nên uống thuốc đầy đủ, đúng giờ. Người bệnh đừng quên đo huyết áp và nhịp tim mỗi ngày để xem các chỉ số có ổn định hay không, qua đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Trong những ngày du xuân, người bệnh cần lưu ý uống thuốc đúng giờ giấc và đủ liều lượng để tránh hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.
“Nếu người bệnh thấy triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có dấu hiệu đột quỵ tim như đau thắt ngực, đau ngực kèm vã mồ hôi, khó thở, tim đập nhanh…, cần thông báo với người thân để được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt”, chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy.
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch cần tuyệt đối thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Cần tiếp tục duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sỹ.
Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi.
Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
Bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và tương ứng với tỷ lệ 31% tổng tử vong toàn cầu.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 100 người tử vong có tới 77 người tử vong do bệnh không lây nhiễm, trong đó có 33 người do nguyên nhân do bệnh tim mạch.
Toàn cầu hoá và đô thị hoá, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.