Tính từ năm 2017 tới năm 2022, PAP đã trải qua 6 năm không ghi nhận doanh thu. Ngoài ra, giai đoạn từ khi thành lập (năm 2008) đến năm 2016, doanh thu cũng không đáng kể, chỉ vài tỷ đồng mỗi năm.
Lý giải cho việc liên tục không ghi nhận doanh thu, PAP cho biết, Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động kinh doanh.
Với việc không ghi nhận doanh thu, Công ty chủ yếu dùng tiền huy động vốn từ các đợt phát hành riêng lẻ, thực hiện gửi tiền kỳ hạn ngắn nhận lãi tiền gửi để hoạt động. Chính vì vậy, tính tới ngày 31/12/2022, PAP ghi nhận lỗ luỹ kế 8,56 tỷ đồng, bằng 0,43% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của PAP là 3.164,6 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 2.387,8 tỷ đồng, chiếm 75,5% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 635,5 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng tài sản và các khoản mục khác (tiền chủ yếu hình thành do cổ đông góp vốn chưa giải ngân vào dự án).
Được biết, tài sản dở dang dài hạn chủ yếu là các khoản kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí phát triển dự án, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án và các chi phí khác liên quan trong quá trình đầu tư dự án cảng Phước An.
Theo tìm hiểu, PAP là chủ đầu tư Dự án cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) và khu dịch vụ hậu cần cảng. Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m.
Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm (hàng container) và 6,5 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp). Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm (hàng container) và 4 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp).
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 11/2017, tổng diện tích sử dụng của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng là 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 2.635,7 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Công ty đang triển khai giai đoạn I của Dự án với diện tích sử dụng 17,4 ha, nhưng đang giãn tiến độ đầu tư và hoàn thiện hồ sơ chất lượng.
Để vào cảng, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT. Theo chia sẻ của Công ty, một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Chính vì vậy, tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT. Hiện tại, cảng Phước An đang cập nhật tình hình đầu tư tuyến đường để đầu tư phân kỳ 1 cho phù hợp với tiến độ đầu tư tuyến đường.
PAP được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ đăng ký là 500 tỷ đồng, tính tới năm 2010, thực góp là 440 tỷ đồng, để thực hiện và khai thác cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tỉnh Đồng Nai thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Trước khi niêm yết trên sàn UPCoM (ngày 14/7/2021), PAP đã 3 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng và tính tới ngày 19/3/2021, Công ty có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 44% vốn điều lệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 23,3% vốn điều lệ; các cổ đông khác sở hữu 32,7% vốn điều lệ.
Được biết, trong lần tăng vốn lần đầu năm 2016, Công ty tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng việc chào bán 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 1 nhà đầu tư chiến lược; lần tăng vốn thứ hai từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, Công ty chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 1 nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn; lần tăng vốn thứ ba từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng vào tháng 1/2021 (trước thời điểm niêm yết), tương ứng chào bán 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.300 đồng/cổ phiếu.
Tính tới ngày 31/12/2022, PAP cho biết, mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 23,3% về chỉ còn 17,5%. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nhóm cổ đông khác đã tăng từ 32,7% lên 62,4% vốn điều lệ.
Có thể thấy, ban đầu thành lập là hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên sau đó, bằng việc liên tục phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư bên ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tục bị pha loãng tỷ lệ sở hữu và giờ chỉ còn sở hữu 17,5% vốn điều lệ, mất khả năng chi phối với tỷ lệ sở hữu cần thiết tại PAP.