Ông Nguyễn Ngọc Toản với chiếc khăn đại diện cho cộng đồng du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam |
1.
“Chúng tôi muốn đóng góp kinh tế cho người dân bản địa”, câu trả lời của đoàn khách đến từ Pháp khiến ông Nguyễn Ngọc Toản ngỡ ngàng. Lần đó, ông đưa đoàn khách đi leo núi, tới thăm bản của người Dao. Khi có người trong đoàn hỏi mua khăn thêu của một gia đình người Dao, ông đã nói nhỏ với họ rằng, giá ở đây đắt hơn gấp 5-10 lần so với giá bán tại chợ, nhưng vị khách chấp nhận mua.
Thành lập Image Travel & Event từ năm 2009 với mong muốn tạo ra sự khác biệt trong hoạt động du lịch nhờ sự gắn kết và mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng ông Toản chưa thực sự tính đến nhu cầu này của khách hàng. Không chỉ ủng hộ kinh tế địa phương, nhiều du khách đến từ châu Âu rất hào hứng với những hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia nhặt rác, mua sắm sản vật địa phương, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống người dân bản địa… Sau dịch bệnh, nhu cầu này càng nổi rõ.
“Từ những gì học được, tôi nhận ra du lịch có trách nhiệm không còn là một xu hướng, mà là điều chắc chắn chúng ta phải làm, vì khách hàng của chúng ta đã thay đổi rất nhiều, họ muốn được đóng góp, để lại dấu ấn nơi họ đến, chứ không chỉ là đến và nhìn ngắm đơn thuần. Du lịch có trách nhiệm phải là tương lai của ngành kinh tế xanh, chứ không phải là xu thế sớm nở, chóng tàn”, ông Toản khẳng định
2.
Năm 2016, Image Travel & Event trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong được tham gia tổ chức du lịch có trách nhiệm trên thế giới – Travelife. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan được quản lý bởi ABTA (Hiệp hội các Đại lý du lịch Anh) và ANVR (Hiệp hội các Đại lý du lịch của Hà Lan) nhằm thúc đẩy sự bền vững trong du lịch.
Phương pháp luận của Travelife đã được phát triển trong khuôn khổ Dự án LIFE của Liên minh châu Âu, dựa trên các khái niệm quản lý bền vững được phát triển bởi UNEP, TOI (Tour Operators’ Initiative for Sustainable Tourism Development) và bằng các kinh nghiệm trước đó của ANVR và ABTA..
Nhờ vậy, ông Nguyễn Ngọc Toản đã dành rất nhiều thời gian tham gia nhiều hội nghị, hội thảo về du lịch có trách nhiệm ở Pháp để học hỏi xu hướng và cách làm du lịch có trách nhiệm tại các quốc gia tiên tiến, tìm cách áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Image Travel & Event chính là nơi bắt đầu mọi thử nghiệm của ông Toản, từ lan tỏa tinh thần có trách nhiệm trong doanh nghiệp qua các hoạt động cụ thể như sử dụng cơ sở vật chất một cách khoa học; tiết kiệm điện, nước; tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo… tới việc mỗi nhân viên sẽ là người truyền tải thông điệp có trách nhiệm lên từng sản phẩm và du khách.
“Ban đầu, đây là hoạt động nâng cao nhận thức một cách nhẹ nhàng cho nhân viên và khách du lịch…, nhưng sau đó đạt hiệu quả và nhận được sự hài lòng từ nhiều bên, không chỉ từ du khách mà chính từ các doanh nghiệp cùng ngành. Đây là sự khích lệ lớn với tôi”, ông Toản kể.
Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại sản phẩm nhằm bổ sung yếu tố có trách nhiệm vào các tour, vào ngày 22/2/2022 – ngày toàn số 2 thật đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Toản ra mắt Tổ chức Wafort (viết tắt cho câu We Act For Responsible Tourism – Chúng tôi hành động vì du lịch có trách nhiệm).
Đây là tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam tập trung thúc đẩy du lịch có trách nhiệm với du khách trong và ngoài nước, cũng như doanh nghiệp du lịch nội địa…, nhằm bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và phát triển kinh tế địa phương.
Trong những bước đi đầu tiên, ông Toản thiết lập website, xây dựng fanpage và mời các tình nguyện viên thực hiện công tác truyền thông cho Wafort. “Với ý tưởng ban đầu, bản thân tôi không nghĩ sẽ làm với quy mô lớn như thế nào, mà chỉ nghĩ đến việc bắt tay vào làm”, ông bộc bạch.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 25 công ty du lịch, lữ hành trong nước bắt đầu hưởng ứng, mong muốn tham gia và tổ chức lại doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm. Wafort đã xây dựng hoàn chỉnh một bộ tiêu chí gồm 50 yêu cầu để bắt buộc doanh nghiệp khi tham gia phải tuân thủ theo. Có thể kể tới những yêu cầu như đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; đưa ra giá cả hợp lý; tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa; bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội; đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục; giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên, năng lượng…
“Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là khái niệm về du lịch có trách nhiệm được rất ít người biết hoặc được hiểu một cách không đầy đủ. Phải thẳng thắn là, chỉ khi nào sự hợp tác của doanh nghiệp với các địa phương và người dân trở nên mạnh mẽ, thì du lịch có trách nhiệm mới thực sự là một lựa chọn, thay vì là xu hướng, là mốt”, ông Toản chia sẻ khó khăn.
3.
Image Travel & Event vẫn đang tiên phong với con đường đã chọn, dù thách thức vẫn rất lớn.
Ông Toản kể, trong các tour, tuyến do Công ty thiết kế, du khách đều được tư vấn dừng chân từ 2-3 ngày ở mỗi điểm đến, tham gia các hoạt động cộng đồng, như ngủ đêm tại nhà dân, bảo vệ môi trường, để lại nhiều dấu ấn ở địa phương hơn, cũng để du khách có những trải nghiệm thực tiễn hơn.
Trong tour đến Phan Thiết vừa mới tổ chức, Công ty khuyến khích du khách mang theo bình nước cá nhân thay vì sử dụng chai nhựa khó tái chế; mời du khách tham gia các chương trình ca múa nhạc ở Ninh Thuận; tổ chức các chuyến đi bộ trong làng… để du khách ủng hộ kinh tế địa phương, dù đơn giản chỉ là mua một ly nước mía, một chiếc bánh vừa được ra lò, hoặc sử dụng trái cây đặc sản…
Trong các tour cao nguyên như tới thăm Buôn Mê Thuột, không gian cho du khách có thể trò chuyện cùng người Ê-đê, M’Nông, xem lễ hội cồng chiêng do chính người dân tổ chức… đều được thiết kế chi tiết. Ông Toản kể, nhiều chương trình đơn giản, thậm chí ngây ngô nếu so với tiêu chí một sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, nhưng du khách rất thích, vì họ nói, đó mới thật sự là bản chất văn hóa địa phương.
Nhưng không phải nơi nào, địa phương nào ông Toản cũng có thể làm được điều mong muốn đó. Và cũng không phải đoàn khách nào cũng sẵn lòng tham gia các hoạt động du lịch có trách nhiệm.
“Đáng tiếc là du khách người Việt dường như ít hứng thú với các hoạt động gắn kết với cộng đồng dân cư địa phương. Họ muốn được hưởng thụ, được chăm sóc hơn, nhưng dễ dàng xả rác, ngại thu gom rác sau khi rời đi”, ông Toản tâm tư.
Đáng nói là, dù có những cảnh báo, khuyến cáo, nhưng những hành vi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, môi trường du lịch không phải lạ ở Việt Nam. Từ sự quá tải ở mỗi điểm đến khi vào mùa cao điểm, tới tình trạng “chặt chém” du khách, những thay đổi bản sắc văn hóa bản địa ở Sapa… Vẫn đề là về lâu dài, những hành động này sẽ phá hoại tính tốt đẹp, bản sắc văn hóa của người dân địa phương, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Việc thay đổi tư duy du khách Việt và một số tỉnh, thành phố về bản chất của phát triển du lịch có trách nhiệm đang là một thách thức lớn với cộng đồng Wafort tại Việt Nam.
Dù vậy, ông Toản và những cộng sự ở Wafort vẫn tin, sự thay đổi là tích cực và sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho bất cứ doanh nghiệp nào thực hiện. Du lịch có trách nhiệm có thể tổ chức theo nhiều hướng khác nhau, nên bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện, dù ít hay nhiều.
“Cứ thêm du khách được tạo điều kiện đóng góp kinh tế cho người dân bản địa, tham gia các hoạt động để người dân địa phương sống tốt hơn với bản sắc văn hóa của mình, thì du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững”, ông Toản tin như vậy.