Fahasa hồi phục sau năm 2021 lãi mỏng |
Thu 3.978 tỷ đồng doanh thu năm 2022
CTCP Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa, mã FHS-sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh đạt 3.977,6 tỷ đồng, tăng 40% so với năm liền trước. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức gần 21% lên hơn 23%, giúp lãi gộp của Fahasa tăng gần 60% lên 920 tỷ đồng. Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, lợi nhuận năm 2022 vẫn đạt 36,6 tỷ đồng, vượt trội so với mức thấp vỏn vẹn hơn 63 triệu đồng của năm trước.
Fahasa hiện có hơn hơn 2.200 nhân viên với hệ thống nhà sách gồm 5 Trung tâm sách, 1 Xí nghiệp in và với gần 60 nhà sách tại nhiều tỉnh thành. Công ty kinh doanh các sản phẩm sách quốc văn, ngoại văn, văn hóa phẩm, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, quà lưu niệm, đồ chơi dành cho trẻ em… cùng mặt hàng siêu thị tại một số nhà sách trực thuộc.
Chịu ảnh hưởng bởi đại dịch cùng các lệnh giãn cách xã hội, hầu hết các nhà sách trong hệ thống đã tạm ngưng kinh doanh trong tháng 7-9/2021. Tuy nhiên, công ty cũng đã thực hiện thanfhc ông djw án kinh doanh online với sự phối hợp của trang thương mại điện tử fahasa.com và các nhà sách trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị mùa khai giảng. Nhờ đó, doanh thu năm 2021 của Fahasa giảm chỉ 15% so với năm 2020 nhưng lãi mỏng do chi phí bán hàng lớn.
Tận dụng vốn nhà cung cấp
Với quy mô vốn điều lệ hơn 127,5 tỷ đồng, tương đương chỉ hơn 12,75 triệu đơn vị cổ phiếu đang lưu hành, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu năm 2022 đạt 2.860 đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức cao (trên 22,7%), chủ yếu nhờ Fahasa sử dụng đòn bẩy nợ rất lớn.
Tuy nhiên, nguồn vốn vay không đến từ các khoản vay ngân hàng mà chủ yếu đến từ vốn phải trả người bán (gần 1.027 tỷ đồng). So với tổng nguồn vốn 1.298 tỷ đồng, cứ mỗi 100 đồng vốn có tới 79 đồng do “chiếm dụng” vốn của đối tác, cụ thể là từ nguồn phải trả người bán. Tỷ lệ nợ đến cuối năm 2022 xấp xỉ 86,5%. Vốn chủ sở hữu của công ty chủ yếu gồm vốn điều lệ (127,5 tỷ đồng) và lợi nhuận chưa phân phối (31,2 tỷ đồng).
Về cơ cấu tài sản, tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị tồn kho cuối năm 2022 gần 680 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm. Cùng đó, Fahasa có tới 348 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (kỳ hạn dưới 1 năm). Lượng tiền mặt cũng khá lớn (53 tỷ đồng). Tài sản cố định của công ty phần lớn là nhà cửa (36 tỷ đồng), thiết bị (31 tỷ đồng) theo nguyên giá, nhưng hiện đã khấu hao được khá nhiều. Đến cuối năm 2022, tài sản cố định của Fahasa trị giá 138,5 tỷ đồng (theo nguyên giá) và chỉ còn hơn 37 tỷ đồng (giá trị còn lại sau khấu hao).
Ông Phạm Minh Thuận tiếp tục kiêm nhiệm hai vị trí chủ chốt
Fahasa tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Công ty cổ phần hóa từ năm 2006. Fahasa hiện là công ty đại chúng với ba cổ đông lớn gồm Tổng công ty Văn hóa Sài gòn (30,5%), ông Phạm Minh Thuận (37,8%) và bà Lê Thị Thu Huyền (5,15%).
Ngoài là cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn nhất tại Fahasa, ông Phạm Minh Thuận hiện đang đảm nhận cả hai chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 275 – Nghị định 155/2020 về tư cách thành viên Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của 01 công ty đại chúng.