Thi sao chè theo cách truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Mỹ An |
“Ở Tân Cương, có những hộ một năm thu vài tỷ đồng từ cây chè, nhà có 3 ô tô và chỉ là họ không cần mua nữa thôi”.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Tiến, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) trong Lễ hội “Hương sắc trà xuân – vùng chè đặc sản Tân Cương” diễn ra ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 1/2/2023.
Đây là lễ hội được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân từ năm 2004 đến nay (trừ mấy năm qua bị gián đoạn do đại dịch Covid-19), là dịp để tôn vinh nghề truyền thống của người dân trong xã, là dịp gặp gỡ của những người trồng, chế biến chè, của người yêu trà nói chung.
“Lễ hội còn là ngày hội văn hoá của nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong xã, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà Tân Cương, xúc tiến thu hút đầu tư, đưa thương hiệu trà Tân cương ngày càng phát triển lớn mạnh, tự tin vươn ra thế giới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, ông Phạm Tiến Sỹ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc lễ hội.
Tự tin vươn ra thế giới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có lẽ cũng không phải ước mơ xa vời với sản phẩm được mệnh danh là “Thái nguyên đệ nhất danh trà” này.
Được thiên nhiên ban tặng điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp với cây chè trung du, trải qua hàng trăm năm gây dựng, phát triển, chè đã thực sự trở thành cây kinh tế chủ lực trong xoá đói, giảm nghèo và là nguồn thu nhập chính của dân địa phương. Hiện Tân Cương có gần 400 ha chè, tổng sản lượng đạt trên 1.000 tấn chè búp khô/năm. Giá trị thu được trên 1 ha chè đã đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ sản phẩm chè hằng năm chiếm trên 70% tổng thu nhập của nhân dân trong xã.
Sản phẩm trà của xã đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” từ năm 2006. Đến nay, đã có 6/12 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao (hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao).
Trong số 1.600 hộ ở Tân Cương, theo ông Tiến thì không còn hộ đói, toàn xã chỉ còn 8 hộ nghèo (nếu so với mặt bằng hộ nghèo nơi khác thì các hộ này vẫn khá hơn), thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm (thu nhập bình quân nông dân của cả nước năm 2020 là 43 triệu đồng/năm, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Nhưng, con số dù sao cũng chỉ là con số. Đến lễ hội, tận mắt thấy hàng dài ô tô của chính dân địa phương, thấy không khí đầm ấm rộn ràng của hội thi sao chè thủ công, thấy không khí thi văn nghệ, trò chơi… tưng bừng ở khắp không gian văn hoá trà, không khó để cảm nhận sự thịnh vượng của đất trà. Khách phương xa có thể thưởng thức những những sản phẩm trà có giá bán từ dăm sáu trăm đến vài triệu, thậm chí lên đến 7 triệu/1kg.
Người Tân Cương có thể chế biến hàng tấn trà đinh (chế biến từ búp non nhất của cây chè) có giá từ 2 đến 7 triệu đồng/kg, và đây là sản phẩm riêng có của xã này, nếu các vùng khác có bán loại trà này thì cũng là về đây mua rồi bán lại, một gia đình ở xóm Hồng Thái 2 chia sẻ.
Chè nguyên liệu được hái từ sáng sớm |
Trà đinh uống rất ngậy, rất thơm, rất khác biệt, nhưng chế biến vô cùng khó.
Ngay cả ở Tân Cương cũng rất ít người có thể chế biến được trà đinh, ít nhất cũng phải có kinh nghiệm sao chè 10 năm trở lên và cảm nhận thật tốt mới có thể làm được.
Toàn xã cũng chỉ có dăm hộ chế biến được trà đinh có giá 7 triệu đồng/kg nên sản lượng một năm cũng chỉ được chừng 1-2 tạ, anh Lưu Xuân Tư, phó xóm Nam Đồng cho biết.
Vò chè – công đoạn quyết định hình thức sản phẩm trà khô |
Dù thế, sản phẩm này, không quá khó để có thể tìm mua, đặt mua ngay tại Lễ hội.
Khó mua nhất phải kể đển sản phẩm trà được sao suốt trên chảo gang, nếu những nghệ nhân thi sao chè sau khi đã nộp đủ sản phẩm dự thi mà dư chút đỉnh thì du khách cũng phải nhường nhau mới mua được vài ấm mang về làm quà cho những người sành trà.
Sao suốt trên chảo gang là cách chế biến chè hoàn toàn thủ công có từ hàng trăm năm trước |
Sao suốt trên chảo gang là cách chế biến chè hoàn toàn thủ công có từ hàng trăm năm trước. Và đây có lẽ là nét hấp dẫn nhất của Lễ hội, bởi ngày thường chè được chế biến hoàn toàn trên dây chuyền khép kín, dù thơm dù đượm đến đâu thì cũng không thể có được vị trà đã gây thương gây nhớ từ ngày xửa, ngày xưa.