Theo đó, từ năm học 2022-2023, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đã thông báo về việc áp dụng mức thu học phí mới. Tuy nhiên, để cùng đồng hành, chia sẻ với phụ huynh và sinh viên sau 2 năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã quyết định không tăng học phí đối với sinh viên đang theo học.
Ảnh minh họa. |
Mức thu học phí trong năm học 2022-2023 của trường được giữ nguyên như mức thu năm 2021-2022. Cụ thể, ở chương trình đào tạo đại trà, nhà trường thu 354.000 đồng/tín chỉ. Chương trình chất lượng cao thu 770.000 đồng/tín chỉ.
Năm học 2022-2023, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng quyết định giữ ổn định mức học phí từ năm 2019. Cụ thể, đối với sinh viên chính quy mức thu là 16-22 triệu đồng/năm; chương trình đặc thù là 45-65 triệu đồng.
Lãnh đạo trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định nhà trường sẽ không tăng học phí trong năm học 2022-2023; để chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các sinh viên đang theo học tại trường.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội giữ nguyên mức học phí đối với tất cả ngành đào tạo. Trong đó, ở các chương trình trình độ đại học, thạc sĩ, nhà trường thu 46,6 triệu đồng/năm. Ngành Bảo trì và Kỹ thuật Hàng không thu 97,86 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Nha Trang cũng thông báo điều chỉnh lại khung học phí theo hướng giữ ổn định như năm học 2021-2022 để chia sẻ với người học trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó cũng có một số trường dự kiến tăng học phí như trường Đại học Hoa Sen. Cụ thể, bắt đầu từ năm học 2023-2024, học phí sau mỗi năm sẽ điều chỉnh tăng từ 5-7%
Trong khi đó, Trường Đại học FPT trong những năm gần đây cứ 2 năm tăng học phí một lần. Chẳng hạn, năm học 2019-2020 và 2020-2021, sinh viên phải đóng 25.300.000 đồng/học kỳ thì năm học 2021-2022 và 2022-2023, học phí là 27.300.000 đồng/học kỳ. Bắt đầu từ năm 2023, học phí chính khóa là 28.700.000 đồng/học kỳ.
Theo Nghị định 81/2021, dự kiến đến năm 2025 sẽ tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập; đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập là đến năm 2030.
Những đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng mức trần học phí gấp 2-2,5 lần so với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên cơ bản đã bù đắp được chi phí theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Cũng về vấn đề học phí, Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023 đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ.
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 như năm học 2021 – 2022.
Cụ thể, đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ;
Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 – 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.11/NQ-CP
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 – 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết số của Chính phủ ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên băn khoăn về học phí đại học một số chuyên gia giáo dục cho hay hiện nay, chúng ta đang đứng giữa tiến thoái lưỡng nan. Nếu trường không đủ ngân sách, không đủ nguồn thu, chất lượng đào tạo, nghiên cứu sẽ không đủ đảm bảo.
Nhưng nếu nguồn thu của nhà trường chỉ dựa vào học phí, việc này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên, nhất là những sinh viên thu nhập trung bình và thấp.
Theo truyền thống, chúng ta sử dụng mô hình học phí thấp, Nhà nước bao cấp, song mô hình này lại không tạo ra kết quả đột biến vì suất đầu tư cho sinh viên khá thấp, không đảm bảo chất lượng, dù nó giúp nhiều học sinh thu nhập trung bình và thấp có cơ hội đi học.
Nếu theo mô hình ngược lại là học phí cao, nhiều em lại không thể đi học. Vì thế, một số ý kiến cho rằng nghị quyết của Chính phủ chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề vẫn là làm sao đảm bảo được nguồn thu cho các trường ở mức có thể đảm bảo được chất lượng.
Hiện nay các trường học phí cao thường rơi vào các trường tự chủ tài chính. Bản chất của các trường này là không nhận ngân sách Nhà nước cho việc chi thường xuyên. Vì thế, họ phải tăng học phí để đảm bảo nguồn thu chi.