Báo cáo tài chính của MB cho thấy, năm 2022, ngân hàng này ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (năm 2021 là 68%). Việc sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life – giúp doanh thu mảng này của ngân hàng này dẫn đầu hệ thống.
Ngân hàng thứ hai thắng đậm nhờ bảo hiểm là VPBank. Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 nghìn tỷ đòng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%.
Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về ước khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối báo hiêm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) (AIA Việt Nam). Năm 2022, lãi thuần từ hoạt khác của VPBank lên tới 10.583 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021 là nhờ thương vụ này.
Techcombank, VIB, TPBank cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm lớn.
Năm 2022, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Tại VIB, riêng thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. Tại TPBank, thu từ dịch vụ kinh doanh, bảo hiểm và tư vấn là 876 nghìn tỷ, giảm 8,2% so với năm 2021.
Đa dạng hóa nguồn thu – trong đó có bảo hiểm – là hướng đi đúng của các ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít ngân hàng bị khách hàng phản ứng vì ép mua bảo hiểm, gian dối trong tư vấn bảo hiểm.
Mới đây, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.
Theo đơn tố cáo tập thể của nhóm nhà đầu năm, năm 2020, nhóm nhà đầu tư này đến gửi tiền tại SCB và được hai nhân viên (một nhân viên của Manulife và một nhân viên SCB) tư vấn, dẫn dắt tham gia Hợp đồng đầu tư với tên “Tâm An Đầu Tư” như một hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi khoảng 10%/năm). Thời gian hợp đồng là 5 năm, trong đó có một phần đầu tư linh hoạt sau 01 năm có thể rút ra trước hạn nếu cần. Sau 2 năm, khi được phía Manulife yêu cầu đóng phí, nhóm nhà đầu tư này mới vỡ lẽ, hợp đồng đầu tư này là có lồng kèm vào hợp đồng bảo hiểm.
Do tư vấn mập mờ, hợp đồng nhiều sai sót, nhóm nhà đầu tư đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu, công ty bảo hiểm phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho người dùng song không phải ai cũng có nhu cầu. Chính vì vậy, việc tư vấn bảo hiểm phải công khai, minh bạch, tránh rủi ro đạo đức. Bổ sung hành lang pháp lý về nghiệp vụ bancassurance vì vậy rất quan trọng.