UBND tỉnh Kon Tum vừa làm việc với các cơ quan, địa phương về công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, Kon Tum đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc đối với việc xác nhận nguồn gốc cây giống sâm Ngọc Linh cần sớm được xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới, như chưa thực hiện việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sâm củ, từ đó chưa quản lý được nguồn gốc, chất lượng sâm Ngọc Linh.
Tình trạng vi phạm chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được bảo hộ diễn ra phổ biến (trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước), nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định…
Trước thực tế này, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh về quy trình, công tác kiểm tra, xác nhận nguồn gốc xuất xứ sâm củ Ngọc Linh của tổ chức, cá nhân có đơn xin cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh theo đúng quy định.
Mới đây, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã kiểm điểm một phó chủ tịch UBND huyện vì ký giấy xác nhận không chính xác cho Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông). UBND huyện cũng đã ra quyết định hủy bỏ giấy xác nhận do vị phó chủ tịch huyện trên ký.
Trước đó, vào ngày 30/5/2022, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông theo quyết định số 4025 ngày 18/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, việc một phó chủ tịch UBND huyện xác nhận Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng, khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông là không chính xác. Thực tế đơn vị này đang thực hiện nuôi cấy mô thí điểm. Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum mới cho chủ trương đưa cây nuôi cấy mô thí điểm này ra ngoài tự nhiên.
Ông Mạnh cũng khẳng định ở huyện Tu Mơ Rông, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ hợp đồng thuê 2 người dân với giá 6 triệu đồng/tháng chứ không hề liên kết trồng sâm Ngọc Linh với hộ dân nào.
Còn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây, cho biết tại địa phương, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang thực hiện dự án nuôi cây mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng. Thời gian qua, công ty này nhiều lần nhờ chính quyền xác nhận có liên kết với dân trồng sâm nhưng chưa được.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, khẳng định công ty đã liên kết được 10 hộ trồng sâm ở xã Ngọc Lây. Diện tích mỗi hộ từ 5-10 ha. Ngoài ra, ở xã Măng Ri đã liên kết với 3 hộ với diện tích hơn 10 ha và đang làm việc với 2 hộ ở Tê Xăng.
Tại tỉnh Kon Tum mới chỉ vừa cho Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô trồng thí điểm trên 24 ha sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô. Diện tích trên mới được bàn giao từ tháng 10/2022, đến nay mới dọn mặt bằng chưa tiến hành trồng sâm. Còn tỉnh Quảng Nam thì đơn vị này chưa có trong danh sách được cấp phép trồng sâm Ngọc Linh.