Trong thời gian dài, tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trở thành nơi “hội tụ” các dự án nham nhở, bát nháo. Ảnh: Nhiệt Băng |
UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã báo cáo Thanh tra Chính phủ việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thị xã Điện Bàn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021.
Theo đó, UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Một số quy hoạch xây dựng chi tiết đã công bố nhiều năm, nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần diện tích, ít quan tâm điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh đơn thư khiếu nại, kiến nghị.
Việc rà soát loại đất, diện tích, vị trí để đăng ký vào danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ và thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm mặc dù có bước phối hợp chặt chẽ trong công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt. Tuy nhiên, việc thẩm định, phê duyệt còn chậm trễ, kế hoạch phân bổ vốn ngân sách không đúng thời điểm đăng ký nhu cầu sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Việc rà soát các dự án chuyển tiếp gây mất thời gian, các địa phương rà soát, đề xuất danh mục kế hoạch sử dụng đất không đảm bảo theo quy định, gây mất thời gian trong quá trình kiểm tra, rà soát lại danh mục.
“Còn nhiều dự án phát sinh nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt do chưa dự báo chính xác, nhất là các dự án về lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, dịch vụ thương mại, các công trình công cộng kêu gọi đầu tư xã hội hóa nên đưa vào xây dựng sớm so với kế hoạch do doanh nghiệp thu xếp được nguồn vốn, dẫn đến còn tình trạng đề nghị UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm”, UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận.
Trên địa bàn thị xã Điện Bàn có khoảng hơn 300 dự án đang triển khai thực hiện. Vì vậy, số lượng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đề nghị thẩm định rất lớn, cùng một thời gian. Nên việc thực hiện thời gian đảm bảo theo quy định là rất khó. Bên cạnh đó việc thẩm định các dự án kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều thời kỳ của Luật, chủ trương của cấp trên, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Giá đất được bồi thường theo giá đất cụ thể (nội dung xác định giá đất cụ thể để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định tại các Điều 15, 16 và 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; khoản 4, Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ và các Điều 29, 30, 31, 32, 33, 34 và 35 Thông tư số 36/2014/TTBTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tuy nhiên, việc áp dụng giá đất cụ thể hiện nay còn nhiều bất cập, không tương xứng với giá thị trường, bị khống chế bởi giá đất 5 năm tại Quyết định 24/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam.
Vấn đề này đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng đối với đất ở (bồi thường thấp, bố trí tái định cư không hợp lý), ví dụ đơn cử như Dự án Vệt 20m cây xanh bãi tắm Viêm Đông, bồi thường đất ở với giá 2.320.000 đồng/m2, bố trí tái định cư 83,4m2/ lô).
Ngoài ra, việc bố trí tái định cư cho những hộ giải tỏa trắng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là những hộ có diện tích đất ở bị thu hồi lớn (số lô, diện tích bố trí lại không tương xứng với diện tích thu hồi).
Đơn giá bồi thường cây trồng hàng năm theo Quyết định 3925/QĐ[1]UBND ngày 31/12/2021 và Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 26/5/2022 của UBND tỉnh về sửa đổi khoản 1, Điều 3 và Phụ lục II Quy định đơn giá bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 3925/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam không quy định rõ đơn giá bồi thường từng loại cây như theo Quyết định 13/2016/QĐ-UBND ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh Quy định đơn giá đối với các loại cây trồng, hoa màu, các loại con vật nuôi; mật độ cây trồng; mức hỗ trợ đối với tài sản khai thác nghề biển, nghề sông để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều này đã gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng (hầu hết các dự án hiện nay không thể trình được phương án do chưa xác định được đơn giá bồi thường cây trồng hàng năm).
Việc sắp xếp, bố trí thời gian của các ban ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như phối hợp thực hiện các bước theo quy trình giải phóng mặt bằng tại các dự án có nơi có lúc chưa được đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Phần lớn các dự án khi triển khai rất bị động về vấn đề bố trí tái định cư cho những hộ giải tỏa trắng, việc xây dựng các khu tái định cư còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu trong việc bố trí cho hộ dân để đảm bảo có nơi ở mới được tốt hơn nên cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác giải phóng mặt bằng, làm dự án bị trở ngại, phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, hầu hết các dự án nhất là khu vực đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc và các dự án ven biển đều ảnh hưởng mồ mả cần phải di dời, nhưng thực tế hiện nay quỹ đất tại các địa phương để có thể bố trí cải táng mồ mả là rất hạn chế thậm chí không còn.
UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ngoài những hộ dân đồng thuận, thống nhất, ủng hộ khi ảnh hưởng dự án thì vẫn còn một số hộ dân cố tình chây ỳ, không thống nhất, không hợp tác, không chịu nhận tiền và bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Từ đó, các cấp, các ngành, địa phương phải nhiều lần vận động, giải thích, đối thoại gây mất nhiều thời gian, công sức, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ các dự án.
Bên cạnh đó, một phần do yếu tố lịch sử để lại về hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan những dự án cũ (các trường hợp tồn đọng, kéo dài) thiếu chặt chẽ, có nhiều thiếu sót nên rất khó khăn khi xem xét thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật. Vấn đề này làm cho đơn vị giải phóng mặt bằng loay hoay, lúng túng, không có hướng xử lý dứt điểm.
Tại một số dự án thuộc khu vực Đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, nhiều trường hợp người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng diện tích lớn (kể cả đất khai hoang) cho rằng, khung giá bồi thường thấp và yêu cầu được bố trí đất tái định cư. Hoặc một số trường hợp bị ảnh hưởng đất ở với diện tích nhiều, nhưng theo quy định không thuộc diện bố trí tái định cư nên người dân cũng không chấp nhận, yêu cầu bố trí tái định cư cho đảm bảo quyền lợi. Những vấn đề này gây khó khăn, trở ngại cho quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Một số dự án, chủ đầu tư trước đây bán đất cho người dân trong khi chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, cấp sổ, dẫn đến việc khiếu kiện, tụ tập đông người thường xuyên, gây áp lực cho cơ quan nhà nước (các dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, hiện nay xuất hiện thêm một số dự án khác).
Tại khu vực ven biển Điện Dương, Điện Ngọc, một vài dự án sau khi đã có mặt bằng, chủ đầu tư không quản lý mốc giới, không kịp thời triển khai đầu tư xây dựng để người dân lấn chiếm canh tác, sản xuất hoa màu gây khó khăn kéo dài khó giải quyết.
Quy định về bồi thường đất công ích khi người dân sử dụng, ổn định không tranh chấp trước ngày 1/7/2004 và không có hợp đồng cho thuê, cho mượn có sự khác nhau giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình áp dụng khi thực hiện công tác bồi thường.
Về giá đất ở cụ thể, mặc dù đã được khảo sát giá thực tế thị trường để điều chỉnh, so sánh và xây dựng giá đất ở cụ thể, tuy nhiên khi giá đất cụ thể được xác định vẫn không thể sát so với giá đất thị trường. Vì vậy, các hộ bị ảnh hưởng các dự án không thống nhất, không đồng thuận với đơn giá đất bồi thường.