Trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định dự kiến có 79 dự án trọng điểm mời gọi thu hút đầu tư |
Nhiều dự án “khủng” trong giai đoạn 2023 – 2025
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh thu hút mới 81 dự án (80 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài), với tổng vốn đầu tư hơn 19.644 tỷ đồng và tăng vốn đầu tư tại 17 dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 19.475 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra đầu năm, Bình Định đạt 135% về số dự án đầu tư.
Đối với thu hút đầu tư trong nước, Bình Định có 33 dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 2.110 tỷ đồng; 21 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 3.310 tỷ đồng; 26 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 14.123 tỷ đồng.
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút được một dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; một dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 87 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.
– Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định
Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, trong năm 2022, tỉnh đã đón và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Australia… Tỉnh kỳ vọng sẽ đón được dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư này trong những năm tới.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định với chủ đề Bình Định – Điểm đến hấp dẫn đối với các ngành công nghiệp và phát triển phần mềm của các doanh nghiệp Đức.
Tại sự kiện này, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty PNE (Đức) để có cơ sở thuận lợi trong công tác phối hợp khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định trong thời gian tới theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tiếp tục đà phát triển của năm 2022, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định dự kiến mời gọi thu hút đầu tư vào 79 dự án trọng điểm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 23 dự án; hạ tầng có 10 dự án; bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch có 30 dự án; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5 dự án; chế biên nông, lâm, thủy sản có 5 dự án; y tế có 3 dự án; công nghệ thông tin có 2 dự án; giáo dục có một dự án.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch đang được tỉnh Bình Định kêu gọi đầu tư nhiều nhất. Trong đó, Dự án Khu khách sạn cao tầng tại điểm số 1 (Khu kinh tế Nhơn Hội), với diện tích khoảng 33 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Đặc biệt, có những dự án chiếm quy mô sử dụng đất lớn, như Dự án Đầu tư nông trại kết hợp du lịch trải nghiệm hồ Đồng Mít (xã An Dũng, huyện An Lão) với quy mô khoảng 300 ha; Dự án Đô thị thương mại dịch vụ và dân cư tuyến sông Cạn (thị xã Hoài Nhơn) có diện tích 477 ha; Dự án Khu sinh thái kết hợp nhà vườn (huyện Tây Sơn) có diện tích 300 ha…
Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bình Định chú trọng mời gọi các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp năng lượng. Đáng chú ý là, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định sẽ mời gọi đầu tư dự án phát triển điện gió ngoài khơi với tổng vốn đầu tư từ 1,5 đến 2,5 tỷ USD. Mục tiêu của dự án này là xây dựng từ 154 đến 166 tua-bin gió ngoài khơi, với tổng công suất 2.000 MW.
Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực
Theo ông Nguyễn Bay, trong năm 2023, để thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài.
“Hiện nay, các nhà đầu tư bắt đầu đăng ký đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có quy mô hàng trăm héc-ta đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm. Do đó, tỉnh phải lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có năng lực để thực hiện. Đối với các dự án sản xuất, du lịch thì lớn hay nhỏ, tỉnh đều kêu gọi đầu tư”, ông Bay nói.
Theo ông Bay, việc thu hút đầu tư đang tập trung vào các lĩnh vực theo 5 trụ cột chính, gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
“Thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững”, ông Bay chia sẻ.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tập trung mời gọi các dự án đầu tư công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Định cũng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung công tác chuyển đổi số, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến và quản lý đầu tư; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.
Đồng thời, Bình Định hoàn thiện danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2023 – 2025, trong đó xác định rõ các dự án trọng điểm tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh, ngoài các khu, cụm đã quy hoạch.
Tỉnh Bình Định phấn đấu thu hút trên 60 dự án đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số dự án; phấn đấu thu hút trên 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về vốn đăng ký; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm, kể cả vốn nước ngoài.
Ông Bay cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố Bình Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội, TP.HCM và các thành phố nước ngoài như Izumisano (Nhật Bản), Yongsan, Incheon (Hàn Quốc); các trường đại học FPT, Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng… theo chương trình hợp tác chung giữa các tổ chức và địa phương.
Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng ý kiến. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển kinh doanh và phát triển hơn.