Từ mùng 3 Tết đến nay, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rất nặng do methanol.
Điển hình là 7 người trong một công ty ở Thái Bình sau bữa liên hoan ngày mùng 6 Tết, có 3 người bị ngộ độc rượu phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 rất nặng phải thở máy, lọc máu. Dù đã được điều trị bằng thuốc giải độc và các loại thuốc khác, nhưng sau 3 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê.
Ngộ độc rượu thường nóng dịp cuối năm và đầu năm. |
Qua lời kể của gia đình anh M. (49 tuổi, quê Thái Bình), vừa qua anh M. cùng 9 người khác tham gia bữa tiệc khai xuân ở công ty (chỉ 7 người uống rượu).
Trên đường về, anh M. bị ngã xe, xây xước đầu gối, không va đập đầu nhưng mắt nhìn tối sầm lại. Sáng hôm sau, anh M. mệt nhiều, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn. Anh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu cao (134,7 mg/dL), nhiễm toan chuyển hóa nặng. Nằm điều trị đến ngày thứ 4, song tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nặng, hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa nặng, phải lọc máu, đặt ống nội khí quản.
Trước đó, có trường hợp bệnh nhân nam (30 tuổi, quê Bắc Ninh) vào Trung tâm Chống độc sau khi uống rượu bị nôn rất nhiều, kèm tình trạng nói ngọng, yếu tay… Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cả 2 bên.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do bệnh nhân uống quá nhiều rượu, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc dẫn đến việc dễ bị tắc mạch. Sau khi điều trị, bệnh nhân có tiến triển hơn nhưng cơ thể vẫn rất yếu và chưa thể nói được bình thường.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, trong những ngày vừa qua, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc methanol với nhiều hình thức khác nhau như uống rượu rởm, cồn sát trùng rởm.
Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai dự báo, từ nay đến hết tháng 2, thậm chí sang tháng 3 sẽ còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhập viện khi người dân còn vui xuân. Bác sĩ cũng cảnh báo về ngộ độc do uống nhầm cồn sát trùng khi vừa có 1 ca tử vong.
Được biết, các biểu hiện của ngộ độc methanol của bệnh nhân sẽ chậm, nên nhiều người sẽ chủ quan nghĩ không ngờ mình bị ngộ độc. Khi có các triệu chứng nặng như mờ mắt, đột quỵ phải nhập viện cấp cứu mới biết do ngộ độc rượu methanol.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc methanol khi đã có triệu chứng rõ ràng đến viện là tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân xuất hiện biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê.
Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các ca ngộ độc methanol thường có triệu chứng muộn nên bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng và rất nặng.
Nguyên nhân do ngộ độc cồn công nghiệp methanol diễn biến chậm vì phải qua quá trình chuyển hoá mới tạo thành acidfomic, gây tổn thương thần kinh và tổn thương mắt. Do quá trình chuyển hoá rất chậm nên nhiều giờ sau, thậm chí 2 ngày sau mới có biểu hiện.
Với người dùng thêm rượu ethanol, thì chính loại rượu này khi vào cơ thể lại làm chậm quá trình chuyển hóa và gây độc của methanol. Chính vì vậy, việc uống liên tiếp rượu, đặc biệt trong những ngày Tết khiến ngộ độc methanol không có biểu hiện ngay, mặc dù, chất độc vẫn còn trong người. Tuy nhiên, đến khi dừng rượu, lúc đó không có gì ngăn cản methanol có trong có thể sẽ chuyển hóa chất độc.
Bác sĩ Nguyên cảnh báo, hiện nay, có nhiều loại hoá chất bị tuồn ra ngoài thị trường, các đối tượng đã sử dụng để pha trộn thành rượu rởm. Thậm chí, các công ty nhập về đóng thành chai cồn sát trùng rởm và được bán rất nhiều.
Sau khi nhiều loại cồn sát trùng rởm được phát hiện và thông báo, các công ty đã chuyển dạng nhãn mác, công bố rõ không dùng để sát trùng, chỉ dùng để đốt, lau chùi, nhưng chai lọ, nhãn mác vẫn y nguyên và vẫn bán ở hiệu thuốc, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn là cồn y tế mua về. Trong nhà, người nghiện rượu thì uống nhầm, người khác thì mang ra sát trùng. Đây là những chất cực độc, cần phải cảnh báo tới người dân.
Để không còn các ca ngộ độc thương tâm, chuyên gia cho rằng, không được bán các loại hoá chất độc hại như hoá chất tẩy rửa, hoá chất đốt, cồn công nghiệp ở hiệu thuốc; không được đóng chai gây nhập nhèm giống với cồn sát trùng; các chai hoá chất phải có hình thức khác và có nhãn mác rõ ràng.