Lợi nhuận quý IV/2022 lao dốc do biên lợi nhuận gộp thấp kỷ lục và hụt lãi từ giao dịch mua rẻ
Trong quý IV/2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt 1.234,08 tỷ đồng, tăng 109,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 110,7 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp bất ngờ giảm mạnh từ 82,2% về chỉ còn 24,2%.
Được biết, theo dữ liệu iBoard SSI, từ quý I/2017 tới quý IV/2022, chưa quý nào biên lợi nhuận gộp giảm mạnh về còn 24,2% như quý IV/2022. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là quý II/2017 với giá trị 25,98%.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng do biên lợi nhuận gộp giảm nên lợi nhuận gộp vẫn giảm 38,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 186,58 tỷ đồng về 298,18 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng 437,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 23,81 tỷ đồng lên 29,25 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 38%, tương ứng giảm 61,08 tỷ đồng về 99,68 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 99,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 205,6 tỷ đồng về 1,41 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Nhà Khang Điền hụt lãi từ giao dịch mua rẻ trong quý IV/2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh hụt thu nhập khác trong quý IV/2022 chủ yếu do không ghi nhận so với cùng kỳ ghi nhận 198,5 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ.
Luỹ kế trong năm 2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt 2.911,96 tỷ đồng, giảm 22,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.081,26 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, trong năm 2022 mặc dù doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận giảm nhẹ chủ yếu do Công ty có ghi nhận lợi nhuận khác tăng 123,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm tới 227,55 tỷ đồng lên 412,22 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Nhà Khang Điền dự kiến doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 16% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận ghi nhận 1.081,26 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 77,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 2 liên tiếp với giá trị 1.824,1 tỷ đồng
Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Nhà Khang Điền ghi nhận âm 1.824,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.595,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 19,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 3.230,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu của iBoard SSI, Nhà Khang Điền cũng vừa trải qua năm 2021 dòng tiền kinh doanh chính âm 2.009,74 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra từ năm 2018 đến năm 2022, Nhà Khang Điền đã trải qua 4/5 năm dòng tiền kinh doanh âm, Công ty chỉ có một năm dòng tiền dương là năm 2020 với giá trị khiêm tốn 162,61 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Nhà Khang Điền tăng 50,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 7.259,2 tỷ đồng, lên 21.631,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 12.440,6 tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 5.303,2 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.795,8 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tồn kho tăng 60,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.707,8 tỷ đồng lên 12.440,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 26,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.097,6 tỷ đồng lên 5.303,2 tỷ đồng …
Cơ cấu tồn kho của Nhà Khang Điền tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC). |
Về cơ cấu tồn kho, biến động chủ yếu là Công ty ghi nhận 3.257,9 tỷ đồng dự án Khu nhà ở Đoàn Nguyên so với đầu năm không ghi nhận; tăng đầu tư dự án Khu dân cư Tân Tạo từ 3.564,9 tỷ đồng lên 5.316,1 tỷ đồng…
Việc tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn tăng kỷ lục trùng với việc Công ty báo cáo dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục, nhiều khả năng việc tăng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn là nguyên nhân dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục.
Tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 165,3% so với đầu, tương ứng tăng thêm 4.218,52 tỷ đồng lên 6.771,02 tỷ đồng và chiếm 31,3% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 17,8% tổng nguồn vốn).
Trong cơ cấu nợ vay, nợ vay tăng chủ yếu vay ngân hàng dài hạn tăng thêm 3.205,07 tỷ đồng so với đầu năm lên 4.642,97 tỷ đồng; trái phiếu tăng thêm 800 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ vay của Nhà Khang Điền tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC). |
Nhà Khang Điền cho biết, Công ty đang có hai lô trái phiếu, lô trái phiếu 1 với giá trị 800 tỷ đồng, đáo hạn ngày 23/8/2025, lãi suất lên tới 12%/năm và hình thức phát hành là tín chấp; lô trái phiếu 2 có giá trị 300 tỷ đồng, đáo hạn ngày 14/6/2025, lãi suất 12% và hình thức vay là tín chấp.
Cổ phiếu KDH chính thức bị loại khỏi rổ chỉ số VN30
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố rổ chỉ số VN30 kỳ tháng 1/2023, hiệu lực từ ngày 6/2 đến ngày 4/8/2023. Trong đó, HoSE cho biết đã thêm cổ phiếu BCM và đồng thời loại cổ phiếu KDH.
Trước đó, Chứng khoán BSC ước tính chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu BCM và đồng thời loại bỏ cổ phiếu KDH. Được biết, hiện tại có 4 chứng chỉ quỹ ETF đang tham chiếu theo chỉ số VN30 và giao dịch tại HoSE bao gồm E1VFVN30, FUESSVN30, FUEMAVN30 và FUEKIV30 với tổng tài sản ước tính khoảng 8.548 tỷ đồng.
Chứng khoán BSC ước tính cổ phiếu KDH sẽ bị loại và các quỹ ETF tham chiếu theo chỉ số VN30 sẽ bán ra khoảng 3.835.198 cổ phiếu KDH. Ngược lại, các quỹ ETF tham chiếu theo chỉ số VN30 sẽ mua vào khoảng 292.540 cổ phiếu BCM.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, cổ phiếu KDH giảm 200 đồng về 27.600 đồng/cổ phiếu.