Với biến thể mới, nguy cơ bùng phát Covid-19 vẫn rất lớn, vì vậy cần tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin. Ảnh: Đức Thanh |
Không chủ quan
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 cao nhất thế giới. Nhờ vậy, dù Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, nhưng trong nước vẫn được kiểm soát tốt. Song, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định; các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều nước trên thế giới. Biến thể mới này hiện đã xuất hiện ở TP.HCM và Tây Ninh.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao, nhưng miễn dịch do tiêm vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, thời gian giao mùa, chuyển mùa đông – xuân, cùng với việc nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian tới, nhất là trong các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
PGS-TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế dự phòng cho biết, hiện nhiều nước vẫn cảnh giác với các biến chủng mới của Covid-19. Hôm 28/12/2022, Bộ Y tế Nhật Bản thông tin, nước này ghi nhận 415 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong ngày, mức cao nhất tại Nhật từ trước đến nay. Vì thế, Việt Nam phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. “Phòng bệnh linh hoạt không phải là cấm đoán, mà cần đánh giá đúng nguy cơ và thực hiện đúng các biện pháp dự phòng”, PGS-TS. Trần Đắc Phu nhận định.
Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Bất cứ nơi nào có Covid-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, với chính sách mới của các quốc gia trong khu vực, thời gian tới, số trường hợp mắc Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng, cộng thêm miễn dịch giảm dần theo thời gian, trong khi đó virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ, tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, né tránh miễn dịch. Do đó, diễn tiến dịch thời gian tới chưa ổn định và khó dự đoán.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện là giai đoạn giao mùa đông – xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, có thể dẫn đến “dịch chồng dịch”. Một yếu tố khác thúc đẩy số ca Covid tăng là dịp Tết đang tới gần, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, các lễ hội đầu năm. Trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền sẽ là nhóm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin
Để ứng phó với sự xuất hiện của biến chủng mới tại TP.HCM, theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, ngành y tế sẽ thực hiện đợt cao điểm tiêm phòng Covid-19 từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Thành phố sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm trên khắp các địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức cũng như các bệnh viện; các điểm tiêm sẽ được treo băng- rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng đầy đủ.
Về phía Bộ Y tế, hiện đã lên kế hoạch ứng phó bằng cách giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh đến từ những khu vực đang bùng dịch, từ những nơi xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gien nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, các biến chủng, biến thể mới.
Các địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Các cơ sở y tế đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng tình huống ca mắc tăng cao.
Nhiều chuyên gia y tế cũng nêu quan điểm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục duy trì những biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện trước đó như đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, tiêm đầy đủ vắc-xin… Lưu ý, đối với các trường hợp nhập cảnh mắc Covid-19, cần lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gien để xác định biến chủng nhằm có biện pháp cảnh báo, kịp thời đối phó.
Đối với việc tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19, về lâu dài, miễn dịch ở một số đối tượng sẽ giảm dần theo thời gian. Người trẻ có thể miễn dịch kéo dài, nhưng người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, miễn dịch sẽ suy giảm nhanh. Do đó, đây là những đối tượng có nguy cơ cao khi mắc Covid-19. Chúng ta cần lưu ý những đối tượng này để kịp thời phát hiện, điều trị khi họ mắc bệnh.
Tại Công điện số 05/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe, tự xét nghiệm Covid-19 khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, đặc biệt là ở người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh.
Về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2. Đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện sớm các biến thể của vi rút SARS-CoV-2…