GS-TSKH. Vũ Minh Giang. |
Văn hóa Việt Nam thì thế nào? Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng trong tâm thức người Việt, dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào vẫn là những cây đa, bến nước, vẫn là mái đình, câu hát và trên tất cả là tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Với chúng ta, đó chính là “tấm hộ chiếu” quyền lực mà mỗi người dân Việt đều tự hào. GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định.
VĂN HÓA LÀ GENE XÃ HỘI THỂ HIỆN SỨC MẠNH NỘI SINH CỦA MỖI DÂN TỘC
Thưa GS-TSKH. Vũ Minh Giang, văn hóa là một khái niệm có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung, văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra và được di tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác để trở thành biểu trưng của mỗi cộng đồng cư dân, mỗi dân tộc…?
Văn hóa là khái niệm mà có lẽ có tần số xuất hiện nhiều nhất trong các diễn ngôn, các bài phát biểu. Có người đã từng nói, nếu search từ “văn hóa” của tiếng Việt, “Culture” của tiếng Anh, hay tiếng Pháp… thì lập tức chúng ta nhận được hàng triệu kết quả ở công cụ tìm kiếm trên Google. Có thể tóm lược lại một cách ngắn gọn, văn hóa là tất cả những gì con người sáng tạo ra. Chính vì khái niệm về văn hóa mang nội hàm rộng lớn đến thế, nên tính phổ quát của khái niệm này trở nên cao như vậy.
Nhưng hiểu văn hóa thế nào cho thật đúng và cho đủ, thì lại là vấn đề không đơn giản. Việt Nam thường coi những hình ảnh rất thân quen như bến nước, cây đa, sân đình, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái… như là những biểu trưng của văn hóa Việt.
Tôi thấy điều này đúng, nhưng dường như chưa đủ, bởi trên thế giới, người ta ngày càng nhận ra rằng, mỗi dân tộc, ngoài gene sinh học thì còn có gene xã hội. Bằng gene xã hội đó, người ta có thể nhận diện một dân tộc. Những điều đó có tính phổ quát cao, nó di tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác của mỗi cộng đồng cư dân, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, trên phương diện khác, nó lại có giá trị tạo nên sức mạnh nội tại, tàng ẩn của cộng đồng đó, vì thế, nếu hiểu đúng, hiểu đủ, thì cần phải thấy rằng, văn hóa là tất cả những gì mà dân tộc sáng tạo ra, nó biểu thị ra sự khác biệt của cộng đồng đó, dân tộc đó và văn hóa chính là nội lực tự sinh của một dân tộc, một cộng đồng.
– GS-TSKH. Vũ Minh Giang
Xin ông nói rõ hơn về khái niệm “văn hóa biểu thị nội lực tự sinh của một dân tộc”. Và vì vậy, phải chăng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chính là hành động gia tăng sức mạnh của dân tộc?
Văn hóa biểu thị nội lực tự sinh của một dân tộc, theo tôi, đây là một điều hiển nhiên.
Tôi xin lấy ví dụ về Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản là một đống đổ nát, hoang tàn, nhưng chỉ sau 20 năm, quốc gia này đã vươn mình lên thành cường quốc thứ ba trên thế giới, trở thành một dân tộc được ngưỡng mộ trên toàn cầu.
Với Hàn Quốc, sau cuộc chiến 1950-1953, hoàn cảnh của Hàn Quốc cũng không khác gì Nhật Bản năm 1945. Khi đó, có những người dân Hàn Quốc đã bị tử vong vì không có đồ ăn, tức là ở mức độ tột cùng của khó khăn.
Vậy mà, cũng chỉ đến thập niên 80 của thế kỷ trước, tức là chỉ sau khoảng hơn 2 thập kỷ, Hàn Quốc đàng hoàng trở thành thành viên của các nước trong nhóm OECD và cho tới ngày nay, sản phẩm tiêu dùng của Hàn Quốc, điện ảnh Hàn Quốc, thậm chí cả ca nhạc – giải trí của họ đã trở nên nổi tiếng hấp dẫn toàn cầu. Vì sao có sự thần kỳ như vậy? Bí quyết nào giúp họ làm được điều thần kỳ đó?
Chúng ta không thể phủ nhận, việc có được thành công là từ sự đúng đắn của các phương án kinh doanh, quyết sách về kinh tế, xã hội…, nhưng cốt lõi của sự thành công của Nhật Bản, nếu đẩy xa ra một chút để có được cái nhìn có tính chất chuyên gia, tôi cho rằng, họ đã làm được một điều mà rất may là hiện nay chúng ta cũng đã bắt đầu, đó là phải biến tất cả những gì mà dân tộc mình có trở thành lợi thế cạnh tranh.
Bản tính của người Nhật Bản là kỹ lưỡng, tỷ mỷ, trọng danh dự và đặc biệt luôn trọng chữ “tín” trong tổ chức công ty, xây dựng xã hội và kinh doanh quốc tế. Vì thế, chỉ sau 2 thập kỷ, Nhật Bản đã đồng nghĩa với sự tin cậy và không ai hoài nghi về người Nhật Bản, về hàng hóa Nhật Bản. Khi làm ăn, khách hàng không bao giờ phải lo sợ bị người Nhật Bản lừa! Thành quả này được phát huy từ văn hóa, từ cốt cách con người Nhật Bản, đó là tính trách nhiệm rất cao khi làm việc. Không nhiều quốc gia làm được như vậy. Vậy là, ba yếu tố “kỹ lưỡng”, “tỷ mỷ”, “trách nhiệm” trong tố chất của người Nhật Bản đã được họ triệt để tận dụng để tạo nên lợi thế cạnh tranh.
kinh tế nông nghiệp, bởi trong sâu thẳm, đó là xuất phát điểm của mỗi chúng ta.
Còn với Hàn Quốc, người dân Hàn Quốc không thể tận dụng ba yếu tố của Nhật Bản để tạo thành công cho họ, bởi đó không phải là gene của người Hàn. Trong địa hạt làm ăn, họ vận dụng chữ “dũng” – một nét đặc trưng trong tính cách người Hàn để tạo nên lợi thế. Đó là thái độ không gì có thể khuất phục, đã làm thì phải hoàn thành với mức độ cao nhất, quyết liệt nhất, không sợ khó khăn, gian khổ. Và vì “dũng”, nên trong tâm tư người Hàn, họ quyết không chịu thua kém ai.
Với Việt Nam thì sao? Nhìn vào tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, có thể thấy, không khó khăn nào mà người Việt không thể vượt qua, không thử thách nào có thể khuất phục người Việt. Bí quyết nào khiến người Việt làm được như vậy? Theo tôi, đó là sự linh hoạt. Có thể lấy ra hàng ngàn ví dụ về sự linh hoạt của người Việt ở những cuộc đối đầu với các đế quốc hùng mạnh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Quân xâm lược có thể hùng mạnh, khí tài có thể hiện đại, nhưng đều bị khuất phục trước những ứng phó vô cùng linh hoạt của người Việt.
Nhất là trong cuộc sống, sự linh hoạt này càng được thể hiện rõ. Tôi xin lấy một ví dụ: nếu vào quán ăn tại Nhật Bản, khách gọi món ăn nào đó mà có 1 vị không thích, thì chắc chắn không thể thỏa thuận được với nhà hàng, vì menu đã quy định cứng, món A phải có ngần này thứ, món B cần ngần này vị… Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, trong quán phở của người Việt, 10 khách có thể gọi 10 bát phở khác nhau, ít thịt, nhiều hành, nước trong, nước béo… Đó chính là sự linh hoạt và trong nhiều hoàn cảnh, sự linh hoạt ấy trở thành thế mạnh của người Việt.
Một ví dụ nữa, đó là Tập đoàn FPT. Có thể có những cảm nhận và cách lý giải khác nhau về hiện tượng phát triển mạnh mẽ trong hoạt động gần đây của FPT khi tập đoàn này đã có 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại những quốc gia rất phát triển như Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản… Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là kết quả của việc kết hợp tư duy của một người giỏi toán mà lại rất mềm dẻo, linh hoạt khi ứng dụng thuật toán, tức là họ đã bước đầu thành công khi kết hợp tri thức nhân loại với thế mạnh văn hóa của người Việt.
Tóm lại, khi đã thực sự nhìn nhận văn hóa là sức mạnh nội sinh để khai thác mặt mạnh, hạn chế điểm yếu nhằm biến những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh sẽ là những mở đầu tốt đẹp cho thành công.
DÂN TỘC ĐANG ĐỨNG TRƯỚC BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ
Như vậy, văn hóa được xác định là động lực cho phát triển, cùng chính trị, kinh tế để xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045? Đó là sự lựa chọn, triết lý phát triển, theo ông, hàm nghĩa của triết lý này là gì?
Sau những thành công to lớn của hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đã đến lúc chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng việc khơi dậy khát vọng đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các nước phát triển. Cùng với đó, đây cũng là thời điểm mà chúng ta phải khai thác ở mức cao nhất nguồn lực văn hóa.
Trong lĩnh vực này, có nhiều người cho rằng, đó là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa như áo dài, nón lá, các làn điệu dân ca… Theo tôi, điều đó đúng, nhưng chưa đủ tầm.
Tầm là tố chất con người Việt Nam, tầm là sở trường của con người Việt Nam, hơn thế, tầm là phải nhìn thấy điều hạn chế, nhìn ra sở đoản của người Việt Nam.
Tôi xin dẫn một câu chuyện có thật để minh chứng cho những nhận định trên, đó là thành công của bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua. Vì sao lại lấy chuyện nhỏ để nói về một vấn đề lớn như vậy? Xin thưa, thành công của bóng đá Việt Nam trong thời kỳ huấn luyện viên Park Hang Seo lãnh đạo, đội tuyển Việt Nam đã trở thành mối quan tâm của toàn dân, của Đảng, của Nhà nước và trở thành một trong những biểu tượng trong quan hệ Việt – Hàn. Ít ai có thể ngờ rằng, hiện nay, nhiều kênh truyền hình Hàn Quốc thường xuyên tường thuật các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Vậy thành công của đội tuyển Việt Nam là do đâu và vì sao lại trở thành chất xúc tác tốt đẹp cho mối quan hệ giữa hai quốc gia?
Theo tôi, bóng đá Việt Nam đã từng đạt được những thành công nhất định, nhưng có 2 lý do khiến chúng ta có được thành công rực rỡ như khoảng thời gian 5 năm qua. Thứ nhất, ngài Park đã phát hiện ra và xử lý được vấn đề kỷ luật. Mặt trái của sự linh hoạt trong tính cách người Việt chính là sự tùy tiện. Vấn đề thứ hai, được ngài Park đánh giá là “vô giá”, là lòng tự hào dân tộc, nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả. Ngài Park đã tìm cách khắc chế 2 điểm yếu đó và thật thú vị, vị huấn luyện viên này đã dùng đúng văn hóa Việt để đưa đội tuyển Việt Nam tới thành công.
Ông đã coi các cầu thủ như con và dùng tình cảm gia đình để tạo dựng mối quan hệ cầu thủ – huấn luyện viên. Kết quả là, thay vì phải cấm điện thoại, chơi game trong giờ nghỉ bằng kỷ luật thép như các huấn luyện viên khác, thời huấn luyện viên Park, các cầu thủ đều tự giác không vi phạm những quy định đó, mà nên nhớ rằng, kỷ luật tự giác mạnh hơn nhiều lần kỷ luật thép.
Về mặt tự tôn dân tộc, ông Park đã truyền cho các cầu thủ lòng tự tin, mà ai cũng biết rằng, tự tin là biểu hiện rõ nét của lòng tự hào dân tộc để thay vì “cầu thủ” tranh bóng, sẽ là “người Việt Nam” tranh bóng. Với những biến chuyển đó, kết quả của đội tuyển Việt Nam không phải là 100% chiến thắng từ khi có huấn luyện viên Park, nhưng người hâm mộ có thể thấy rõ, đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp bất kỳ đối thủ nào cũng vô cùng tự tin.
Câu chuyện bóng đá với lĩnh vực đang trao đổi là văn hóa có vẻ xa, nhưng lại rất gần. Bởi lẽ, việc tưởng như vô cùng khó, nhưng sẽ thành công nếu chúng ta biết tìm đến nguồn mạch của văn hóa.
Truyền thống văn hóa của đất nước ta vốn rất đầy đặn và được truyền từ đời này qua đời khác, để sau hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta vẫn thực sự tự hào về nguồn vốn vô giá đó, nhưng tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra vào ngày 17/12/2022, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội.
Theo tôi, để có chính sách về văn hóa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội, chúng ta nên hiểu thế nào là văn hóa và thế nào là sức mạnh văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, “Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Dù vậy, trong công tác hàng ngày, hầu hết các ngành, các cấp vẫn mặc nhiên coi văn hóa là việc của ngành văn hóa. Thậm chí, khi ngân sách eo hẹp, ngành đầu tiên bị cắt giảm ngân sách, tất nhiên là ngành văn hóa.
Điều này cho thấy, nhận thức “văn hóa là gì”, rõ ràng là chưa đủ với nhiều ngành, nhiều cấp và đã tồn tại trong một thời gian khá dài. Chính nhận thức như vậy đã dẫn đến hệ quả như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận xét “một số cơ chế, chính sách về văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội”.
Trên thực tế, việc coi văn hóa là tài nguyên còn… rất xa xôi. Về nghĩa đen của câu “văn hóa là tài nguyên”, các địa phương đều đang làm khá tốt, đó là có di tích văn hóa thì… bán vé tham quan! Trong khi về thực chất, thì phải coi đó là tài nguyên vô giá, tạo giá trị gia tăng làm nên sức mạnh của dân tộc. Về vấn đề này, còn cần phải bàn thảo thêm khá nhiều.
Tôi lấy ví dụ tại ngay quốc gia láng giềng của Việt Nam là Campuchia trong cách họ ứng xử với di sản Angkor Wat. Về thực chất, quần thể đền đài này là di sản văn hóa vô cùng giá trị mang tầm di sản thế giới, nhưng dù có vĩ đại đến đâu chăng nữa, du khách mua vé tham quan cũng chỉ tiếp xúc với những khối đá vô cảm và vì thế, khả năng quay trở lại là rất thấp.
Phía cơ quan quản lý văn hóa – du lịch Campuchia đã nghĩ ra một mô hình gọi là Panorama Muzeum bằng những bức tranh 3D mô phỏng lại việc xây dựng quần thể đền đài này và những buổi diễn thực cảnh mô phỏng đời sống của người Champa thời kỳ đó. Với cách làm này, quần thể di tích như sống lại, hơn thế, thông qua những thước phim, tranh 3D mô phỏng, đời sống văn hóa trong quá khứ của dân tộc đã được tái hiện và khắc sâu trong tâm trí du khách.
Tại Việt Nam, show diễn thực cảnh Ký ức Hội An của TP. Hội An đã mang lại thành công rất lớn về doanh thu, nhưng mặt thành công hơn của buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời này là khách tham quan có cảm nhận đầy đủ về lịch sử, văn hoá và bản sắc của Hội An. Không quá khi cho rằng, Ký ức Hội An đã trở thành linh hồn của di sản văn hóa độc đáo nơi đây.
Vậy theo ông, chính sách như thế nào thì có thể “đáp ứng yêu cầu”?
Theo tôi, chính sách về văn hóa có thể đáp ứng yêu cầu của cuộc sống phải là chính sách khai thác những điểm mạnh trong cốt cách, ưu thế có sẵn trong mỗi con người Việt Nam, đó không có gì khác hơn là khẳng định lòng tự tôn dân tộc.
Khi có lòng tự tôn dân tộc, những hành động đáng xấu hổ sẽ tiến tới không còn nữa.
Khi nghiên cứu xây dựng chính sách về văn hóa, ngoài việc khuyến khích điểm mạnh, còn cần phải có những chính sách hạn chế những biến tướng của mặt mạnh trong tính cách người Việt. Chẳng hạn, như trên tôi đã nói, điểm mạnh của người Việt là tính linh hoạt, nhưng nếu không được kiểm soát, thì sự linh hoạt cũng rất có thể biểu hiện ở mặt chưa được như sẽ là sự tùy tiện, vô tổ chức, biến hóa vô lối, thậm chí ăn bớt công đoạn.
Thưa Giáo sư, như ông đã đề cập, “văn hóa là gene xã hội thể hiện sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc”, quan điểm này của ông có vẻ tương đồng với ý kiến gần đầy của một số học giả khi họ đưa ra khái niệm “hộ chiếu văn hóa” cho người Việt. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào và “hộ chiếu văn hóa” của người Việt sẽ bao gồm những yếu tố gì?
Tôi thấy quan điểm này khá thú vị. Hộ chiếu là tài liệu pháp lý xác định danh tính cho một người, người ta sẽ không thể tùy tiện sửa chữa, thêm bớt các nội dung của tấm hộ chiếu. Tương tự, hộ chiếu văn hóa sẽ xác định “danh tính văn hóa” cho người đó và khi được “cấp”, người ta cũng không thể tùy tiện thay đổi, thêm bớt, tức là phải tuân thủ và đó được coi là một chiếc “khung cứng” – dù muốn hay không cũng phải thực hiện.
Theo tôi, hộ chiếu văn hóa của người Việt dù sao cũng khó tách khỏi “yếu tố 3N”, đó là cư dân nông dân, xã hội nông thôn và kinh tế nông nghiệp, bởi trong sâu thẳm, đó là xuất phát điểm của mỗi chúng ta. Đó cũng là nền tảng của truyền thống tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào.
Do tác động của địa – văn hóa và hoàn cảnh lịch sử, người Việt có tinh thần dân tộc và ý chiến đấu kiên cường để vượt qua mọi thử thách, cùng với đó là khả năng nhanh chóng phát hiện, tiếp thu cái mới, là sức sáng tạo để tạo nên khả năng linh hoạt – một trong những cốt cách của người Việt.
Điều quan trọng nhất để nhận diện văn hoá người Việt là khả năng biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh. Đây chính là cốt lõi của sức mạnh nội sinh của chúng ta.
Mặt khác, có khá nhiều điểm yếu cũng chính từ xuất phát điểm đó, như tầm nhìn hạn chế, tính đố kỵ, ganh ghét, đặc biệt là tâm lý cầu may… cần phải được triệt để loại bỏ.