Phối cảnh sảnh chính nhà ga hành khách sân bay Long Thành. |
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV liên quan đến đề xuất của Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam xây dựng về Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ GTVT cho biết là Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất cơ chế xây dựng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 261/VPCP-CN ngày 13/1/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất của Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu ACV nghiên cứu các nội dung đề xuất của Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam; tổ chức triển khai, quản lý, điều hành Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu; đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu và không đội giá bất hợp lý (thay đổi tổng mức đầu tư bất hợp lý) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ GTVT yêu cầu ACV tổ chức triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện.
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 12/2022, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết là sân bay Long Thành là một dự án lớn đòi hỏi chất lượng, tiến độ cao để xứng đáng là bộ mặt tiêu biểu của Việt Nam với quốc tế.
Do nguồn vốn ngân sách nên đơn vị chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành vì vậy cả về tiêu chí dự thầu, phương thức tổ chức, đơn giá dự toán theo các đơn giá nhà nước hiện hành và đặc biệt là tiến độ thực hiện chỉ có 33 tháng đối với Gói thầu 5.10 (thi công xây dựng nhà ga hành khách và lắp đặt thiết bị). Vì những yếu tố đầu bài đưa ra chưa phù hợp nên các nhà thầu nước ngoài chỉ mua hồ sơ đăng ký nhưng đều không nộp thầu.
Theo tìm hiểu của Hiệp hội thì một số nhà thầu nước ngoài từng có kinh nghiệm làm ở Việt Nam (kể cả đã tham gia sân bay Nội Bài) cũng chia sẻ thẳng thắn: “Nội Bài khối lượng mở rộng chỉ bằng 1/3 khối lượng của sân bay Long Thành mà tiến độ phải 36 tháng mới xong nên sân bay Long Thành đưa ra tiến độ 33 tháng là hoàn toàn bất khả thi. Hơn nữa đơn giá dự toán lại quá thấp trong bối cảnh hiện nay nên chúng tôi không tham gia mặc dù rất muốn! Vì vậy một số điểm trong đầu bài của gói thầu cần cân nhắc lại”.
Về lựa chọn nhà thầu, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, do các tiêu chí dự thầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính của các nhà thầu Việt Nam còn hạn chế nên vừa qua ở Gói thầu 5.10 một số các nhà thầu Việt Nam đã liên danh với nhau thành một tổ hợp.
Hiệp hội cho rằng, việc liên kết lỏng lẻo không có một cơ chế cụ thể về phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn giữa các nhà thầu có thể phát sinh nhiều phức tạp trong việc đảm bảo chất lượng của công trình sau này.
“Vì vậy nên có cơ chế ưu tiên việc liên doanh giữa các nhà thầu mạnh trong nước với nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm để tận dụng kinh nghiệm thi công các công trình tương tự của nhà thầu nước ngoài cũng như sử dụng được năng lực thi công của các nhà thầu trong nước để tạo công ăn việc làm và giảm thiểu chi phí”, lãnh đạo Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị.