Ngành y tế Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị bệnh nặng và phức tạp |
Liên tiếp các vụ việc “nóng“”
Có thể nói, thời gian qua, ngành y tế liên tiếp hứng chịu những “cơn bão” lớn. Từ “tâm chấn” Bệnh viện Bạch Mai, đến Bệnh viện Tim Hà Nội, hơn 2 năm vắt kiệt sức trong cuộc chiến sống còn với Covid-19, rồi đến vụ Việt Á đã gây ra hệ quả quá đau đớn và thảm khốc. Nói như TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đó là mất mát rất lớn mà ngành y tế cần rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi được “vết thương”.
Những đợt “bão tố” ấy cũng khiến lòng tin của người dân vào ngành y phần nào bị suy giảm, kể cả lòng tin giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng, gánh hậu quả lớn nhất lại là những người bệnh. Bởi sau những sự việc ấy, nhiều cán bộ, cơ sở y tế có tâm lý sợ sai nên không dám đấu thầu thuốc, mượn hay mua trang thiết bị y tế. Bệnh nhân phải mòn mỏi trong cảnh chờ thuốc, chờ vật tư y tế.
Đồng thời, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, làm cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.
“Vụ Việt Á cũng là phép thử làm hé lộ nhiều vấn đề, khi nó liên quan tới hàng loạt người, ở hàng loạt tỉnh, thành phố, tức là không còn ở phạm vi nhỏ lẻ, thì rõ ràng, cần phải xem lại cơ chế mua bán, ‘lại quả’ trong đấu thầu, mua sắm của ngành y tế. Có phải cơ chế đó đã lấy đi những con người được đào tạo bài bản, có hiểu biết và ít nhiều tài năng trong ngành?”, TS. Nguyễn Huy Quang trăn trở.
Có thể, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong năm vừa qua xuất phát từ “căn bệnh” sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, nhưng cũng có những đơn vị y tế thừa nhận, dù đã nghiên cứu kỹ các cơ chế, quy định mua sắm, đấu thầu vật tư, họ vẫn cảm thấy bất an, lo lắng. Nhiều cán bộ y tế đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bây giờ, họ chỉ muốn làm tốt vai trò chuyên môn khám và chữa bệnh, chứ không muốn làm quản lý, vì phải đương đầu với sự đan xen phức tạp giữa chuyên môn và thực thi chính sách công.
Trong một lần phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra thực tế rất đáng lo ngại, phải chăng, cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua.
Ông Long cho rằng, bác sỹ là những người được đào tạo chuyên sâu về y khoa, ngoài trách nhiệm về chuyên môn, một bác sỹ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện còn phải có trách nhiệm quản lý, điều hành, từ những việc như gửi xe, xử lý rác, đến mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế… Theo ông Long, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp.
Năm 2022 còn chứng kiến “làn sóng bỏ việc” trong ngành y. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính từ đầu năm đến tháng 11/2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức ngành y tế thôi việc, bỏ việc cao là TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Long An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Cơ hội để cải tổ
Hệ thống y tế Việt Nam đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Thành công đã được xã hội ghi nhận, sai lầm đã phải trả giá, theo nguyên tắc công – tội phân minh.
Vấn đề đặt ra là, sau “cơn bão lớn”, việc phục hồi và phát triển ngành y tế sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm mà để cả hệ thống tê liệt.
Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc, cá nhân sai phạm liên quan đến y tế bị khởi tố khiến ngành y tế như “ngồi trên đống lửa”. Trước tình trạng này, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc yên tâm làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các sở y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương cần sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo, xây dựng định hướng phát triển ngành y tế từ trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang thiếu lãnh đạo các cấp.
Đặc biệt, hoạt động đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh, liên kết, xã hội hóa… là những vấn đề mà ngành y tế đang lúng túng, vì người thực hiện rất dễ vi phạm quy định. Vì vậy, theo các chuyên gia trong ngành, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể (thấp nhất là nghị định) để các đơn vị tham gia đấu thầu không lúng túng, lo sợ; đồng thời, có cơ chế bảo vệ người làm nhiệm vụ.
“Đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị đang là nỗi lo lớn nhất của đa số bệnh viện, cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư. Để cán bộ y tế không sợ sai, thì cơ chế tài chính cần phải đảm bảo minh bạch, tính giá dịch vụ trên cơ sở chất lượng và các mục chi cho y tế dự phòng phải thật rõ ràng”, TS. Nguyễn Huy Quang nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương để có được cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên trong và bên ngoài nhà nước, có như thế, mới hạn chế tiêu cực trong ngành y tế, kể cả tình trạng tham nhũng hay “móc túi” người bệnh thông qua bảo hiểm y tế hay các hình thức khác. Đặc biệt, phải nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản trị bệnh viện theo xu hướng quốc tế, quản trị bệnh viện phải vận hành như một doanh nghiệp công ích.
Với công tác cán bộ, theo TS. Nguyễn Huy Quang, cần đào tạo nhân viên y tế theo chuyên khoa, theo hướng hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp khoa, cấp phòng ở bệnh viện trở lên, nhằm tránh tình trạng mất đi một bác sỹ giỏi, nhưng chỉ được một nhà quản lý tồi.
Để sớm vượt qua “nỗi đau” từ vụ Việt Á cũng như tránh lặp lại những vi phạm trong vụ việc này, GS-TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát việc xây dựng các thông tư, nghị định để ngăn chặn tiêu cực.
Để làm được điều đó, theo ông Đệ, khi xây dựng các văn bản luật, phải gửi rộng rãi cho tất cả các tầng lớp nhân dân, các hiệp hội đọc và góp ý. Đặc biệt, cần phải tiếp thu các ý kiến đóng góp, chứ không chỉ làm theo ý chí chủ quan của một nhóm người, dễ dẫn đến việc lồng ghép “lợi ích nhóm”.
Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, các chuyên gia cho biết, việc đấu thầu thuốc tập trung hay giao quyền cho các cơ sở y tế gần đây đều gây nhiều tranh luận. Đây cũng là vấn đề cần nhận diện, để cải cách về thể chế, cơ sở pháp lý. “Tại sao không xảy ra tiêu cực về đấu thầu thuốc trong các bệnh viện tư” cũng là một câu hỏi về thể chế, tổ chức, cần tìm câu trả lời để điều chỉnh công tác quản lý ở các bệnh viện công.
Đã đến lúc, cần quản lý bệnh viện công theo cách khác, như nhiều nước đang làm. Cụ thể, bệnh viện có một CEO điều hành, quản trị, bên cạnh đó là hội đồng y khoa, chứ không phải một giáo sư, tiến sĩ y khoa kiêm chức danh giám đốc.
Thiết nghĩ, để đổi mới công tác nhân sự ngành y, còn rất nhiều việc phải làm, có thể sẽ có những khó khăn chưa lường hết được, nhưng đó cũng là tín hiệu tốt, là cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lưu cữu trong ngành y.
Đặc biệt, sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong việc loại trừ tiêu cực như vụ Việt Á đang vực dậy niềm tin của cán bộ y tế cũng như niềm tin của người dân dành cho ngành y tế.