Ảnh minh họa |
Phát triển thị trường mới
Sau hơn 20 năm chính thức bước vào thị trường quốc tế, xuất khẩu thủy sản đã cán mốc kỷ lục gần 11 tỷ USD vào cuối năm 2022. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, các doanh nghiệp thủy sản đã và đang phát triển thêm thị trường tiềm năng khác, trong đó nổi bật là thị trường Australia.
Năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu thủy sản sang Australia, với mức tăng đến 42,64% sau 11 tháng so với cùng kỳ 2021, đạt kim ngạch hơn 331 triệu USD. Trong đó, đáng kể là mặt hàng tôm đã khẳng định vị thế tại thị trường này.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu tôm sang Australia đạt gần 214 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ 2021, đây là mức tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, các “đại gia” xuất khẩu tôm của Việt Nam đều góp mặt trong danh sách này như: Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú chiếm tới hơn 15,5%; Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau với tỷ trọng gần 18%…
Philippines cũng là một trong số thị trường tiềm năng của ngành thủy sản với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu các mặt hàng thủy, hải sản sang thị trường này. Hiện Philippines vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 13 của thủy sản Việt Nam, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Các nước ASEAN lại có sức hút lớn đối với những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, khi ASEAN chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định: “Thủy sản Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi 160 thị trường trên thế giới, có tiếng vang khá tốt. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng luôn ở trong tư thế sẵn sàng, thị trường có nhu cầu sẽ lập tức cung cấp hàng. Giả sử với mặt hàng cá tra, chỉ cần có đơn hàng thì trong một ngày doanh nghiệp có thể sản xuất 1-2 container”.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại
Dù thông tin xuất khẩu khả quan, nhưng ông Trương Đình Hòe vẫn đưa ra cảnh báo: “Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần thường xuyên nắm bắt thông tin, xem xét tín hiệu thị trường để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, cần có sự trao đổi, kết nối với các thị trường tiềm năng để nắm bắt mọi yêu cầu, tiêu chuẩn của họ, đảm bảo chất lượng sản phẩm để xuất khẩu thuận lợi hơn”.
Về lâu dài, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có chiến lược, giải pháp cụ thể, phù hợp với đơn vị mình để sẵn sàng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt hoặc thay đổi đột biến của thị trường.
Cũng theo ông Hòe, có ba vấn đề chính, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chuẩn bị kỹ hiện nay.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần có nguồn tài chính vững, tận dụng các nguồn vốn hợp lý để duy trì qua thời gian này.
Thứ hai, doanh nghiệp phải đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động để có nguồn nhân lực luôn sẵn sàng bất cứ khi nào thị trường có tín hiệu tích cực.
Thứ ba, doanh nghiệp ở các ngành nông sản như thủy, hải sản phải chăm lo cho kế sinh nhai, đảm bảo hoạt động nuôi, trồng của bà con nông dân, bởi nếu không có họ thì đồng nghĩa với không có nguyên liệu để sản xuất.
Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đều mong muốn có những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Song, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nỗ lực mở rộng, tập trung hơn vào các thị trường tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương TP.HCM) cho rằng, để mở rộng xuất khẩu nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trên cơ sở những thị trường sẵn có, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường những nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA); chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tận dụng tối đa ưu đãi, lợi thế của các nước trong khối ASEAN và các nước đã ký FTA với Việt Nam.