Ảnh minh họa |
Luôn “ăn đong”
Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016, thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại thời điểm tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ tăng thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên, “tư lệnh” ngành giáo dục cho rằng, điều này là do sự biến động dân cư khi một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, còn do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục số lượng đóng cửa rất lớn. Thiếu giáo viên do tăng thời lượng học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Mặt khác, tình trạng thiếu giáo viên còn do chuẩn về tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để đảm bảo chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019, trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại. Có thể nói, muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Nếu số lượng học sinh/lớp mà tới 60 – 65 em, thì rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học.
Ở một khía cạnh khác, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên còn do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT là môn Mỹ thuật, Âm nhạc.
Theo dự báo đến năm học 2025 – 2026, cả nước sẽ thiếu 26.228 giáo viên để đảm bảo cho các môn. Đặc biệt, thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, chiếm trên 40%. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Cân nhắc việc tinh giản biên chế
Một chính sách nữa để giải quyết việc thiếu giáo viên, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, ngành giáo dục được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy vậy, theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Điều này, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, là một nghịch lý. Bởi, dù được giao biên chế, nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, vì “nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai?”.
Như thế, vấn đề cần bàn ở đây là, tuyển dụng và tinh giản biên chế, việc nào cần được ưu tiên thực hiện trước. Điều này, liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cùng ngồi lại bàn bạc tính toán và thống nhất rõ ràng. Việc tinh giản biên chế giáo viên theo kiểu cơ học, cào bằng nhất thiết phải được xem xét lại một cách thấu đáo.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức. Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên. Cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, đảm bảo việc tuyển dụng công bằng, tránh phát sinh tiêu cực. “Đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc chỉ tiêu biên chế. Hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này”, tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo nêu.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc. Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường sư phạm.
Đặc biệt, Bộ cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất.