Một số nhà băng sớm về đích
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh được Đại hội cổ đông giao trong năm 2022.
Năm 2022, cổ đông ngân hàng này đã thông qua các chỉ tiêu tài chính như tổng tài sản tăng trưởng 5 – 10%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 8 – 10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 1,8%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% so với năm 2021; tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật…
Thực tế, lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm nay của VietinBank đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Không phải đợt đến cuối quý IV/2022, mà đến hết quý III/2022, một số nhà băng đã cán đích kết quả kinh doanh đưa ra cho cả năm nay, một phần do chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2022 ở mức vừa phải, phù hợp với tình hình thị trường còn khó khăn.
Trong đó, LienVietPostBank đạt hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 3 quý, tăng 72% so cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 3.842 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Eximbank cũng cho thấy sự trở lại mạnh mẽ về kết quả kinh doanh, với lãi trước thuế trong 3 quý đầu năm nay đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%. Theo kế hoạch được Đại hội cổ đông thường niên thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.
Eximbank cũng vừa thông báo Nghị quyết của HĐQT về kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022.
Tăng thu ngoài lãi
Sở dĩ các nhà băng không điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh, dù thị trường nửa cuối năm có khó khăn nhất định khi room tín dụng hạn chế và lãi suất huy động tăng là do các ngân hàng từng bước kiểm soát dần chi phí, tăng thu ngoài lãi.
Ông Trần Minh Bình cho biết, trong năm 2022, VietinBank tập trung đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi và kiểm soát chi phí vốn. Ngoài ra, Ngân hàng cũng được biết đến là ngân hàng có nguồn tích cực từ bảo hiểm. Cụ thể, năm 2022, VietinBank đã ký kết hơp đồng phân phối bancassurance độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, trong bối cảnh cạn room, tín dụng khó đẩy mạnh cho vay ra, lãi suất huy động tăng cao, thì biện pháp tốt nhất là kiểm soát chi phí hoạt động và tăng thu ngoài lãi. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đã tăng mạnh trong 3 quý đầu năm nay, đóng góp đáng kể cho tổng thu nhập hoạt động. Ở nhóm ngân hàng lớn (Top 10 về lãi thuần từ hoạt động dịch vụ), có thể kể đến như Techcombank, Sacombank, VIB, VPBank.
Cụ thể, Techcombank có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021; VPBank đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 59%; Sacombank đạt hơn 4.300 tỷ, tăng 82%; VIB ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 31% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.300 tỷ đồng.
Vả lại, giới phân tích tài chính cho rằng, do tín dụng tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, nên nhiều ngân hàng đã gần chạm đích lợi nhuận khi chưa kết thúc năm tài chính 2022. Chẳng hạn, các ngân hàng lớn như Vietcombank, MB, BIDV, VietinBank, ACB đều hoàn thành trên 80% sau 9 tháng.
Năm 2022, Vietcombank lên kế hoạch lợi nhuận vượt mốc 30.000 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này duy trì đã đạt 24.940 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức cao 29.662 tỷ đồng cho cả năm. Tuy nhiên, sau 9 tháng, lợi nhuận của VPBank mới ghi nhận 19.387 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch cả năm.