Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VBMA) |
Phát biểu tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023” sáng nay (13/1), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, cuối năm 2022, NHNN đã nới room tín dụng, nhưng việc nới room tín dụng chậm khiến dòng vốn không kịp chảy vào nền kinh tế, không hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VBMA) cho rằng, việc tăng room tín dụng 14% Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và phân bổ chỉ tiêu là rất cần thiết.
“Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước rất bản lĩnh khi giữ được room tín dụng 14% trong bối cảnh tăng trưởng vốn huy động chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nếu không kiên định như vậy thì sau sự cố trái phiếu và SCB, liệu hệ thống ngân hàng thế nào? Mục tiêu ưu tiên là phải bảo đảm ổn định hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Khi đã ổn định rồi, tình hình thanh khoản các tổ chức tín dụng ổn định thì mới xem xét nới room tín dụng là phù hợp”, ông Hùng khẳng định.
Theo lãnh đạo VBMA, hiện nay, không có văn bản nào quy định cấm ngân hàng cho vay bất động sản, nhưng vẫn cảnh báo đây là lĩnh vực rủi ro nên phải thận trọng, tức là phải rà soát, xem xét những dự án thực sự hiệu quả, dự án nào đáp ứng được thị trường, dự án đầy đủ tính pháp lý thì mới cho vay.
Được biết, sau Tết nguyên đán, Chính phủ sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản ban về giải pháp tháo gỡ. Thống đốc cũng đã triệu tập các ngân hàng họp bàn bạc và nghiên cứu, đánh giá thực chất thị trường và đề ra giải pháp.
Thực tế, các ngân hàng đã cho vay bất động sản đều rất muốn tiếp tục cho vay, muốn thị trường bất động sản khơi thông để dòng vốn luân chuyển và thu hồi được nợ. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải dè chừng mọi rủi ro.
Việc thị trường bất động sản thiếu vốn vừa qua, theo ông Hùng, là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này cho thấy, khi thị trường vốn cân bằng với thị trường tiền tệ, các doanh nghiệp sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi thị trường vốn có vấn đề, huy động khó khăn hơn sẽ dồn tất cả vào thị trường tiền tệ. Thực trạng này không bình thường, vì bản chất thị trường tiền tệ là cho vay bổ sung vốn, cả vốn trung dài hạn và vốn ngắn hạn.
“Thời gian qua, những dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, các dự án phục vụ nhu cầu ở thật của người dân đều được ngân hàng cho vay, kể cả vay tín chấp bằng tiền lương. Các dự án không thể tiếp cận vốn đều do tính pháp lý hoặc năng lực chủ đầu tư không bảo đảm”, ông Hùng khẳng định.
Hiệp hội ngân hàng cũng cho rằng, trước khi đề nghị ngân hàng tháo gỡ, doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhìn lại mình xem đã làm gì để tháo gỡ khó khăn, có tìm ra điểm hòa vốn và chấp nhận giảm giá bán để cung – cầu gặp nhau hay không.
“Doanh nghiệp có chấp nhận giảm lợi nhuận từ mức 10 phần trước kia còn 3 phần, 7 phần hay không? Nếu doanh nghiệp chấp nhận, chắc chắn dòng vốn sẽ luân chuyển”, lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng đề nghị.