Ảnh minh họa |
Bình quân 9 năm, lạm phát của Việt Nam chỉ tăng 2,83%, thấp so với mục tiêu (4%). Đây là thành công trong thời gian dài so với trước đó.
Năm 2022, được coi là không ngờ, khi lạm phát nhiều nước cao nhất trong nhiều thập kỷ và gấp nhiều lần định hướng.
Theo thời gian (tháng sau so với tháng trước), trong 12 tháng của năm 2022, có 5 tháng tăng thấp và giảm (1, 4, 8, 10, 12); có 4 tháng tăng trung bình, chỉ có 3 tháng tăng cao (2, 3, 6).
Còn theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, diễn biến giá cũng đáng lưu ý. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa, tới 36,12%), chỉ tăng 2,55%, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát CPI. May mặc, giày dép và mũ nón (chiếm 6,37% trong rổ hàng hóa) tăng 1,63%. Nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 15,73% trong rổ hàng hóa), tăng 3,11%. Thiết bị và đồ dùng gia đình (chiếm 7,31% trong rổ hàng hóa), tăng 2,03%. Thuốc và dịch vụ y tế (chiếm 5,04% trong rổ hàng hóa) tăng 0,4%.
Văn hóa, giải trí và du lịch (chiếm 4,29% trong rổ hàng hóa) tăng 3,1%. Hàng hóa và dịch vụ khác (chiếm 3,3% trong rổ hàng hóa) tăng 2,36%. Bưu chính viễn thông (chiếm 2,89% trong rổ hàng hóa) giảm 0,37%. Giáo dục (chiếm 5,99% trong rổ hàng hóa) tăng 1,66%. Chỉ có 1 nhóm tăng cao hơn CPI chung là giao thông (chiếm 9,37% trong rổ hàng hóa) tăng 11,27%.
Kết quả kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của năm 2022 đạt được do nhiều yếu tố.
Một là, cung tăng cao hơn cầu, đã góp phần giảm áp lực đối với lạm phát.
Hai là, thu ngân sách vượt cao so với dự toán và tăng cao (13,8%) so với năm trước.
Ba là, về tiền tệ – tín dụng, dư nợ tín dụng tăng 14,5% từ giữa năm có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ (như tăng lãi suất tái cấp vốn, tăng lãi suất tái chiết khấu, tăng lãi suất qua đêm, tăng lãi suất tiền gửi, nới biên độ giao dịch tỷ giá từ ±3% lên ±5%). Việc thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ đã góp phần giảm áp lực đối với lạm phát.
Bốn là, về chi phí đẩy, có một số điểm đáng lưu ý.
Giá nhập khẩu năm 2022 so với năm 2021 như sau: tổng số tăng 8,56% (nông sản thực phẩm tăng 9,74%, lúa mì tăng 27%, dầu mỡ động thực vật tăng 6,99%, nhiên liệu tăng 35,51, xơ sợi tăng 9,96%, vải tăng 11,62%, dây điện, cáp điện tăng 12,87%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8,46%, hóa chất tăng 7,82%..).
Giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao đã làm cho kim ngạch nhập khẩu tuy tăng 8,56%, nhưng tính chung lượng nhập khẩu bị giảm 0,15%, một số mặt hàng còn bị giảm nhiều hơn.
Giá nhập khẩu tăng cao đã làm cho giá đầu vào trong nước tăng: giá nguyên, nhiên vật liệu tăng 6,79%, sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng 9,88%, sử dụng cho xây dựng tăng 6,96%, giá vận tải, kho bãi tăng 8,36%… nhưng giá sản xuất đầu ra và giá tiêu dùng tăng thấp hơn.
Giá đầu vào tăng cao, lại thêm thu nhập sức mua của người lao động thấp, bị “bào mòn” trong thời gian đại dịch thắt chặt chi tiêu, khiến giá tiêu dùng tăng thấp hơn, đã làm cho doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh đã “chịu trận” nhiều hơn. Họ phải thắt chặt chi phí, chịu lỗ, thậm chí không ít doanh nghiệp còn phải ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường (giải thể, tạm dừng hoạt động, tạm dừng kinh doanh).