Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Trần Duy Đông, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 phấn đấu tăng 8 – 9%. |
Đó là mục tiêu được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%).
Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước đạt 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Thương mại trong nước cũng góp phần tích cực trong giải quyết công ăn việc làm (năm 2022 lĩnh vực thương mại trong nước thu hút 7,2 triệu lao động, tương đương 14,7% tổng lao động xã hội đang làm việc trong các ngành nghề) và bảo đảm an sinh xã hội, trở thành một trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế.
Các giải pháp điều tiết, kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường, góp phần quan trọng trong việc điều hành vĩ mô, thực hiện các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ. CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% (thấp hơn mức 4% Quốc hội giao).
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông cho hay, mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Để cán đích mục tiêu tăng trưởng 8-9%, các giải pháp chính được Bộ thực hiện gồm: đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Tờ trình số 8525/BCT-TTTN của Bộ Công thương về việc thông qua Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước, gồm: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025…