Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ Ảnh: Đức Thanh |
Mỹ nhập gần 110 tỷ USD hàng Việt
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 cán mốc 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021. Góp phần rất lớn vào kết quả xuất khẩu trong năm qua là sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường Mỹ, với mức đóng góp 109 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị tới dòng chảy thương mại toàn cầu trong năm 2022 vẫn khá nặng nề, khiến chi phí sản xuất và logistics tiếp tục gia tăng, nhưng sau tất cả, Việt Nam vẫn giữ được vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn, được các nhà mua hàng toàn cầu, trong đó có Mỹ lựa chọn đặt hàng.
Nike, hãng giày nổi tiếng của Mỹ, hàng năm sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày các loại, riêng trong năm 2022, đã có tới 300 triệu đôi được sản xuất tại Việt Nam, chiếm 50% trong tổng số sản lượng giày của Hãng.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike, Andy Campion cho biết thông tin này tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hồi cuối năm 2022. Tính đến tháng 10/2022, Nike có 152 nhà sản xuất, cung ứng đặt nhà máy tại Việt Nam, trong đó có 116 nhà máy sản xuất thành phẩm và 36 nhà máy nguyên vật liệu.
Các nhà máy sản xuất của Nike đóng góp đáng kể vào con số hơn 9 tỷ USD giày dép đã được xuất thành công sang Mỹ trong năm qua.
Ngoài 9 tỷ USD giày dép, khoảng 18 tỷ USD hàng dệt may, xơ sợi, vải cũng được các nhà mua hàng Mỹ đặt hàng các nhà sản xuất Việt Nam. Danh sách các mặt hàng có kim ngạch trên chục tỷ USD còn có điện thoại, máy vi tính. Ở mức thấp dần là máy móc thiết bị, hàng nông, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ…
Tiếp tục sản xuất tại Việt Nam, tăng nguồn đặt hàng trong năm 2023… là khẳng định của không ít nhà bán lẻ, tập đoàn lớn đến từ Mỹ.
Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn cho các ông lớn ngành đồ thể thao trong những năm qua, bởi chính sách ưu đãi thuế và lao động cạnh tranh. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo thuận lợi thương mại cho các hãng giày, được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng cao và ổn định so với nhiều thị trường khác. Dễ thấy nhất là trong 2 năm đại dịch (2020-2021), bất chấp khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu sang Mỹ đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; năm 2021 xuất khẩu sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD và đến cuối 2022 đã tăng lên gần 110 tỷ USD.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ những năm gần đây có chuyển biến rõ nét. Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, thì các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ đã vươn lên vị trí hàng đầu.
Rủi ro đi kèm
Song hành với tăng trưởng thương mại thì các vụ kiện phòng vệ thương mại mà phía Mỹ khởi kiện hàng Việt cũng tăng nhanh chóng. Điều này là thực tế khi các nước gia tăng sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự đổ bộ của hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Số liệu từ Bộ Công thương ghi nhận, chỉ trong 11 tháng của năm 2022, Mỹ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thép dây không gỉ dạng tròn, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm ống thép) và 1 vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để tránh hoàn toàn các vụ kiện phòng vệ thương mại là không thể, vì biện pháp này luôn đi kèm với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, cũng không quá lo ngại khi hàng hóa xuất khẩu bị khởi kiện nhiều.
“Tuy các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thừa nhận, nhưng việc sử dụng những biện pháp này cần phải thỏa mãn một số điều kiện được quy định trong các hiệp định liên quan và hoàn toàn không dễ dàng để khởi kiện và đi đến áp thuế với 1 mặt hàng từ một quốc gia”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Thêm nữa, Mỹ là quốc gia đã mở nhiều cuộc điều tra về phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp với nhiều quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam.
Trong tương lai, khi quy mô thương mại với Mỹ tiếp tục tăng, các ngành hàng xuất khẩu tất yếu gặp phải rủi ro, thách thức cao hơn về các vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Mỹ. Vấn đề của doanh nghiệp, ngành hàng là làm thế nào để vượt qua những thách thức đó, nhằm giữ vững quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững.
Giải pháp cần thiết là các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cho các lô hàng xuất khẩu đi từng thị trường. Đối với từng vụ việc, nên hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh rằng mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp, hoặc thuê các công ty luật có uy tín giúp soạn thảo bộ hồ sơ để giải trình với cơ quan điều tra của nước khởi kiện.