Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm cách gia tăng trừng phạt lên các sản phẩm dầu mỏ Nga sau khi chính sách trần giá 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga không phát huy nhiều tác dụng. Ảnh: Reuters |
Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị cho đòn trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ Nga, bằng cách áp trần giá mới đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Động thái này nhằm mở rộng các hình phạt mới mà phương Tây nhắm vào dầu mỏ Nga.
Tại các cuộc họp tại châu Âu trong tuần này, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ sẽ thảo luận chi tiết về các biện pháp trừng phạt sắp tới đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2 tới.
Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết các biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ và các đồng minh sẽ đặt ra hai mức trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga, trong đó một trần giá đối với các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao như dầu diesel và một trần giá còn lại áp dụng với các mặt hàng có giá trị thấp hơn như dầu nhiên liệu.
Việc lựa chọn hai mức trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga là chủ đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và châu Âu.
Đối với dầu thô Nga, các cuộc đàm phán về mức giá 60 USD/thùng đã đi đến hồi kết. Các quan chức Mỹ đã vận động các đối tác ở Ba Lan, Litva và Estonia chấp nhận mức giá cao hơn với hy vọng giảm thiểu sự gián đoạn đối với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, giới chức Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, đã nhắc lại lời kêu gọi từ Ukraine và khẳng định họ tìm kiếm mức trần giá thấp nhất là 30 USD/thùng để cắt giảm sâu hơn nguồn thu của Điện Kremlin cho chiến sự ở Ukraine.
Ông Ben Harris, quan chức chính sách kinh tế hàng đầu tại Bộ Tài chính Mỹ, sẽ tới Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan để thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào các sản phẩm dầu mỏ Nga của trong tuần này. Giới chức Mỹ một lần nữa đặt mục tiêu hạ trần giá đủ thấp đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm hạn chế lợi nhuận của Moscow, nhưng vẫn đủ cao để Nga tiếp tục bán dầu diesel và nhiên liệu khác ra bên ngoài.
“Tuần này là một tuần thực sự quan trọng”, ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người tham gia các cuộc đàm phán, cho biết.
“Nó sẽ phức tạp hơn một chút với mức trần giá dầu thô; tuy nhiên, chúng tôi đã biết cách giải quyết vấn đề này. Theo cách này, nó sẽ dễ dàng hơn một chút vì chúng tôi đã tìm ra phương pháp”, ông Usenko nói thêm.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Ukraine đang hối thúc phương Tây hạ trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 12/2022, EU cam kết sẽ xem xét và có khả năng điều chỉnh trần giá dầu thô vào giữa tháng 1/2023. Trên thực tế, các quan chức phương Tây và Mỹ lại đang tìm cách giữ trần giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng.
Tháng trước, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh trong G7 đã kích hoạt chính sách giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, chính sách giá trần không phát huy nhiều tác dụng và không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu thế giới. Điều này thôi thúc các quan chức phương Tây muốn gia tăng áp lực hơn nữa lên ngân sách cũng như nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin.
Với vòng trừng phạt lần này, giới phân tích cảnh báo chúng có thể gây ra hậu quả kinh tế lớn hơn, đặc biệt là vì chúng sẽ có hiệu lực vào cùng ngày EU cấm nhập khẩu dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác của Nga.
Các nhà quan sát thị trường và một số quan chức phương Tây dự đoán Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc định hướng lại hoạt động xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, điều này có thể ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.
Nếu không tiếp cận được thị trường châu Âu và đối mặt thêm lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các lô hàng ở nơi khác, sản lượng lọc dầu của Nga có thể giảm, dẫn đến kéo giảm nguồn cung toàn cầu.
“Trần giá dầu thô: Đó là một biện pháp gây khó chịu nhưng không quá khó khăn. Nhưng đối với các sản phẩm tinh chế, đó là một vấn đề lớn hơn nhiều”, bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, lưu ý.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow để tài trợ cho quân đội. Ngành công nghiệp dầu mỏ béo bở của Nga đang là mục tiêu trừng phạt khó khăn nhất đối với phương Tây vì tầm quan trọng của nó đối với thị trường năng lượng toàn cầu – một yếu tố khiến lạm phát đang hoành hành khắp thế giới.
Giống như mức giá trần đối với dầu thô của Nga, các hình phạt mới nhằm vào sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ áp dụng đối với các công ty mà phương Tây cấp vốn, bảo hiểm hoặc vận chuyển các sản phẩm của Nga bằng đường biển.
Các công ty có trụ sở ở các nước G7 và Australia sẽ phải chịu trừng phạt nếu họ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán các sản phẩm xăng dầu của Nga, trừ khi các sản phẩm đó được bán dưới giá trần.
Một lý do quan trọng khiến chính sách áp trần giá 60 USD/thùng dầu thô Nga đã không làm đảo lộn thị trường toàn cầu là do “các tàu chở dầu ngầm“. Các tàu dầu này hoạt động ở các khu vực tài phán bên ngoài phương Tây và vận chuyển một phần lớn dầu thô xuất khẩu của Nga tới các điểm đến châu Á mà không thuộc diện trừng phạt – một động thái được các quan chức Mỹ chấp nhận.
Còn với các biện pháp trừng phạt sắp tới, một đội tàu nhỏ hơn, chuyên dụng hơn và chuyên chở các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, có thể chịu ảnh hưởng và Nga sẽ có ít lựa chọn hơn để vận chuyển dầu diesel và các sản phẩm khác cho bất kỳ khách hàng nào ở thị trường mới, đơn cử khu vực Mỹ – Latinh và châu Phi.
Ấn Độ và Trung Quốc, hai nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Nga, sẽ khó có thể mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga mà thường xuất sang châu Âu.
Ngoài những khó khăn về logistics, thị trường dầu mỏ toàn cầu còn đối mặt thêm rào cản từ việc Nga ban hành sắc lệnh cấm bán dầu mỏ và các sản phẩm xăng dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá dầu từ ngày 1/2.
“Tôi nghĩ có rất nhiều lý do để cho rằng chúng ta vẫn đang ở những ngày đầu của một thứ có thể còn khó khăn hơn nhiều“, ông Kevin Book, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường năng lượng Clearview Energy Partners (Mỹ), nhận định.
Châu Âu đã phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu diesel của Nga trong nhiều thập kỷ qua. Trước các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga, các nhà cung cấp nhiên liệu châu Âu đã chủ động tích trữ dầu diesel.
Ông Philip Jones-Lux, một nhà phân tích tại Công ty dữ liệu dầu mỏ Sparta Commodities có trụ sở tại Geneva, cho biết giá dầu diesel ở châu Âu hiện chưa đủ cao để khuyến khích các thương nhân nhập khẩu dầu diesel từ Mỹ, Saudi Arabia và Ấn Độ về thị trường này.
“Điều này cho chúng tôi biết rằng, vào lúc này, ít nhất là không có dấu hiệu nào về giá cả và rằng, bất kỳ ai cũng đang lo lắng về nguồn cung dầu diesel của châu Âu vào tháng 2″, ông Philip Jones-Lux nói thêm.