Nhìn từ khu vực tư sang khu vực công
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực y tế giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và công lập hiện không chỉ dừng lại ở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, mà còn là cuộc chạy đua cải tiến chất lượng phục vụ.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân; tăng không gian xanh để người bệnh cảm thấy thoải mái; cán bộ, nhân viên thân thiện với người bệnh…
Với diện tích hàng chục héc-ta cùng hệ thống cây xanh tự nhiên kết hợp hồ điều hòa, quảng trường rộng rãi, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có không gian rộng mở, trong xanh, thoáng mát. Người dân đến đây không còn cảm giác ngột ngạt hay phải chen chúc.
Bệnh viện được trang bị hệ thống phòng khách, phòng khám, điều trị, cấp cứu, chuyên khoa, phòng dịch vụ cao cấp với không gian rộng rãi, sang trọng, tiêu chuẩn khách sạn cao cấp. Các phòng thăm khám hay phòng bệnh đều có ánh sáng thiên nhiên, thiết kế thông minh, đa năng, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại… Các khu điều trị nội trú, ngoại trú, hệ thống phòng VIP được trang bị tiêu chuẩn cao cấp, thiết bị hiện đại, diện tích phòng rộng, an ninh đảm bảo, dịch vụ chăm sóc chu đáo.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.000 bệnh viện, nhưng mới chỉ có hơn 200 bệnh viện tư, tỷ lệ giường bệnh hiện tại mới đạt 25 giường/10.000 dân. Những con số này còn quá ít so với nhu cầu khám, chữa bệnh của thị trường gần 100 triệu dân. Hệ thống bệnh viện yếu kém cũng đẩy những bệnh nhân có điều kiện kinh tế ra nước ngoài chữa bệnh ngày càng nhiều hơn.
Theo tính toán của Bộ Y tế, ước tính chi tiêu cho y tế hàng năm của Việt Nam chiếm xấp xỉ 7% GDP. Như vậy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn.
Tại khu vực miền Trung, Bệnh viện Trung ương Huế có 3 cơ sở, trong đó tách riêng phần dịch vụ sang Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. GS-TS, bác sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, nhờ cơ chế tự chủ, Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chữa trị được bệnh nặng. Ngoài ra, Bệnh viện còn mở thêm các dịch vụ như chăm sóc da, thẩm mỹ, tiêm chủng.
Khuôn viên Bệnh viện có không gian xanh, phòng sạch đạt chuẩn với các dịch vụ giặt là, gội đầu, căng tin dinh dưỡng như khách sạn sang. “Chúng tôi đã mời quản lý khách sạn Furama về làm công tác quản lý, nên các tiêu chuẩn dịch vụ, buồng phòng, chăm sóc bệnh nhân đều như khách sạn 5 sao”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Hướng tới chuẩn quốc tế
Nếu như các bệnh viện tư nhân đầu tư mạnh để xây dựng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng dịch vụ, thì khu vực bệnh viện công lại chứng kiến bức tranh khác biệt.
Đơn cử, tình trạng nhà vệ sinh 3 không (không có nước, không có giấy vệ sinh, không có bồn rửa tay) diễn ra khá phổ biến tại nhiều bệnh viện công. Điều này dù nhỏ, nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiện cảm mà bệnh nhân dành cho bệnh viện.
Để khắc phục điều này cũng như các dịch vụ khác như chăm sóc bệnh nhân, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ nhằm nâng chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt tiêu chí buộc cơ sở y tế phải thực hiện nếu muốn được “chấm điểm” cao.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, khi thực hiện bộ tiêu chí hài lòng bệnh nhân mà Bộ Y tế đưa ra, nhiều ý kiến góp ý đã được chuyển tới giám đốc của các bệnh viện để kịp thời bổ sung phục vụ người bệnh.
Trong giai đoạn tới, nhằm tiếp tục cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, PGS-TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai xét tặng Giải thưởng quốc gia về Chất lượng bệnh viện. Đây là một trong những nhóm giải pháp rất có ý nghĩa để ghi nhận, động viên những thầy thuốc, những bệnh viện đã quyết tâm, dám nghĩ, dám làm để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Trên thế giới, việc áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện được thực hiện rất phổ biến. Nhiều tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện như JCI (Mỹ), ACHS (Australia)… đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sau đó thẩm định, cấp chứng nhận cho những bệnh viện đạt yêu cầu về chất lượng.
Cũng cần phải nhìn nhận, trong những năm qua, chất lượng bệnh viện công lập đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nói riêng và chất lượng bệnh viện công lập nói chung, cần có những nghiên cứu sâu về các nhân tố ảnh hưởng từ cơ sở vật chất, sự tin tưởng, quan tâm chăm sóc, nhân lực, thái độ phục vụ và tài chính.
Nếu hiểu dịch vụ là công việc nào đó phục vụ trực tiếp cho một nhu cầu nhất định của số đông và được trả công, thì các bệnh viện cũng đang cung ứng một dịch vụ cho xã hội. Dù có gọi người bệnh là “khách hàng” hay không, thì các bệnh viện cũng đang bán một sản phẩm ra thị trường. Đó là hoạt động khám chữa bệnh và được nhận tiền cho sản phẩm của mình.
Ở chiều ngược lại, người bệnh đến với bệnh viện bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và mong muốn được đối xử như “khách hàng”, có cơ hội đón nhận dịch vụ chất lượng cao, được khám chữa bệnh bởi những y bác sĩ có năng lực chuyên môn giỏi…, là hoàn toàn chính đáng. Mong muốn chuẩn “5 sao” trong bệnh viện còn bao hàm cả việc có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ…
Các bệnh viện “5 sao” sẽ không chỉ góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong nước, mà xa hơn là mục tiêu vươn tầm quốc tế.