Cơ chế thưởng là động lực lớn để nhà thầu dồn lực hoàn thành sớm công trình. Ảnh: Đức Thanh |
Thu hẹp phạm vi áp dụng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký Tờ trình số 9472/TTr-BKHĐT gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.
Đây là bản dự thảo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, chỉnh sửa và giải trình kỹ sau khi nhận được các ý kiến góp ý của 26/30 bộ, ngành liên quan, trong đó có các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn còn 2 vấn đề liên quan đến chế độ thưởng hợp đồng cần xin ý kiến của Chính phủ, đó là danh mục dự án và loại gói thầu được áp dụng.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có cơ chế chỉ định thầu (tiết kiệm tối thiểu 5% dự toán). Đối với các dự án giao thông nằm trong Chương trình (15 dự án), khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu, thì số tiền dư sau đấu thầu là rõ ràng, đủ lớn để xem xét thưởng hợp đồng. Trong khi đó, số tiền dư sau đấu thầu của các dự án thường rất thấp, dẫn đến số tiền thưởng (nếu có) là không đáng kể, nên việc áp dụng quy định thưởng hợp đồng sẽ không khả thi.
Ngoài ra, nghị định này được ban hành lần đầu, cần thời gian tổng kết và sửa đổi hoàn thiện, nên trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chỉ áp dụng cho các dự án giao thông nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.
“Việc áp dụng cho các dự án đầu tư khác, bao gồm các ngành, lĩnh vực khác sẽ được Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành quy định chung để áp dụng đồng bộ, rộng rãi”, Tờ trình số 9472/TTr-BKHĐT nêu rõ.
Trước đó, phổ áp dụng chế độ thưởng hợp đồng là khá rộng khi ngoài các dự án nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo còn đề xuất áp dụng cho các dự án nằm trong phạm vi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông – vận tải (GTVT).
Liên quan loại gói thầu được áp dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thông thường, việc thực hiện các dự án giao thông sẽ có 3 loại loại thầu chính, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình, gồm gói thầu xây lắp; gói thầu tư vấn giám sát; gói thầu của các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Do các gói thầu tư vấn giám sát có thời gian thực hiện phụ thuộc vào thời gian thực hiện gói thầu xây lắp, nên việc đánh giá tiến độ để xác định tiền thưởng thường khó đảm bảo chính xác. Trong khi đó, các gói thầu của các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thường phức tạp, kéo dài, liên quan trực tiếp tới trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người dân, nên rất khó xác định được mức thưởng cho từng đối tượng hợp lý.
“Do vậy, để thuận lợi cho việc tính toán, xác định số tiền thưởng, chỉ nên áp dụng cho các gói thầu xây lắp. Đây cũng là ý kiến tương tự của Bộ Giao thông – Vận tải, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết.
Động lực đủ lớn
Một điểm nhấn quan trọng tại Tờ trình số 9472/TTr-BKHĐT là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý lại Dự thảo theo hướng bỏ trường hợp “thưởng hợp đồng do áp dụng các giải pháp, công nghệ mới, điều chỉnh biện pháp thi công mang lại hiệu quả cao hơn” và chỉ áp dụng cho một trường hợp duy nhất là rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu. Khi đó, nguồn tiền thưởng hợp đồng chỉ còn là số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu).
Đây là nguồn tiền nằm trong phạm vi gói thầu, nên không phát sinh nguồn tiền mới để thưởng hợp đồng, không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án.
Cùng với việc xây dựng được phương pháp tính tiền thưởng khoa học, dễ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn kiến nghị cho phép các gói thầu xây lắp thuộc các dự án nằm trong danh mục đã ký hợp đồng trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành được áp dụng quy định về thưởng hợp đồng. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng về nội dung thưởng hợp đồng theo quy định tại nghị định này.
Ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, trong trường hợp lý tưởng, các nhà thầu có thể được thưởng hợp đồng với giá trị tối đa lên tới 5% giá trị hợp đồng (không bao gồm dự phòng). Với quy mô gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 nằm trong danh mục dự án được hưởng chế độ thưởng hợp đồng có thể lên tới 8.000 tỷ đồng/gói thầu và các nhà thầu có thể nhận tối đa 40 tỷ đồng.
“Đây là động lực đủ lớn để các nhà thầu có thể huy động thêm máy móc, thiết bị và nhân công để hoàn thành sớm công trình”, ông Tuyến nói.
Số tiền thưởng (T) = TD x TG x K
Trong đó: TD là số tiền dư sau đấu thầu = Giá gói thầu theo dự toán được duyệt (không tính dự phòng) – Giá trúng thầu (không tính dự phòng)
TG là tỷ lệ thời gian rút ngắn (%) = Thời gian rút ngắn (ngày)/Thời gian thực hiện theo hợp đồng (ngày). Trường hợp TG lớn hơn 20%, thì TG được lấy giá trị bằng 20%.
K là hệ số khuyến khích = 5. Việc đưa hệ số K nhằm đảm bảo trong trường hợp lý tưởng (tỷ lệ thời gian rút ngắn là 20%) thì nhà thầu được thưởng 100% số tiền dư sau đấu thầu.