Ga Đà Lạt là một trong những nhà ga cổ nhất Đông Dương còn tồn tại ở thời điểm hiện tại. Ảnh: A.M |
Dự án độc đáo
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng vừa có Tờ trình số 100/BDC gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) và Cục Đường sắt Việt Nam về việc thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ GTVT đã giao Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chủ trì lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP.
Có 2 yêu cầu được Bộ GTVT đặt ra cho nhà đầu tư này. Đó là Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi phải làm rõ được hiệu quả kinh tế – xã hội của Dự án và phương án tài chính sơ bộ (dự báo nhu cầu, nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án, khả năng chi trả của cộng đồng người sử dụng, tổ chức bao tiêu). Thời hạn nộp đề xuất là trước ngày 31/12/2022.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư đề xuất dự án sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong các trường hợp: Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án không lựa chọn được nhà đầu tư.
Tại Tờ trình số 100/BDC, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đi qua địa phận TP. Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với chiều dài khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).
Dự án bao gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8 km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt. Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt – đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7 km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.
Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 – 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là con đường huyền thoại, vì đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới: một của Thụy Sỹ và một của Việt Nam. Tuyến đường sắt của Việt Nam được đánh giá kỳ vĩ hơn, vì nó vừa dài lại có độ dốc lớn hơn con đường của Thụy Sỹ (tuyến đường của Việt Nam dài 84 km, trong đó có tới 43 km đường răng cưa qua đèo Sông Pha, trong khi đường sắt răng cưa ở Thụy Sỹ chỉ dài gần 25 km ở đoạn vượt qua đèo Furka trên dãy núi Alpes).
Tuyến được khởi công xây dựng năm 1908, hoàn thành năm 1932, khai thác đến năm 1975 thì ngừng hoạt động.
Ẩn số tài chính
Ông Thân Hà Nhất Thống, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng khẳng định, Dự án phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành và các địa phương; mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và môi trường, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho địa phương.
“Dự án sẽ khôi phục tính độc đáo của tuyến đường sắt răng cưa, với khí hậu thay đổi dọc tuyến từ đồng bằng đến trung du và vùng núi cao rất độc đáo và hai bên phong cảnh hữu tình, việc tổ chức chạy tàu một cách phù hợp sẽ góp phần đáng kể đưa lượng khách du lịch lớn từ các miền đến với Ninh Thuận, Lâm Đồng”, lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đánh giá.
Mặc dù mới dừng ở mức tính toán sơ bộ, nhưng tại Tờ trình số 100/BDC, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cho biết, tổng mức đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là 24.924 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay, chi phí tài chính), trong đó 2 khoản chi nặng nhất là chi phí xây dựng (4.517 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (9.246 tỷ đồng). Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 28.987 tỷ đồng.
Do thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, nên Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến ngân sách nhà nước tham gia Dự án khoảng 2.163 tỷ đồng.
Đối với phần vốn của nhà đầu tư, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng (trong đó, vay trong nước chiếm 10% với lãi suất 10,4%/năm, vốn vay ngân hàng thương mại nước ngoài chiếm 90% với lãi suất dự kiến 7%).
Trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng không nói rõ nguồn thu hoàn vốn, nhưng cho biết, họ cần tới 37 năm 11 tháng để có thể thu hồi vốn trong điều kiện tối ưu.
“Đây là thực sự là một ẩn số đặc biệt quan trọng cần được làm rõ trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án để nhà đầu tư có thể thuyết phục các ngân hàng bỏ vốn cho vay”, một lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá.
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: từ cuối năm 2022 đến tháng 12 năm 2024;
Giai đoạn thực hiện dự án: từ tháng 1/2025 đến tháng 6/2029:
– Các công tác thiết kế: từ tháng 1/2025 đến tháng 3/2026;
– Công tác giải phóng mặt bằng: từ tháng 1/2025 đến tháng 12/2026;
– Thi công xây dựng: từ tháng 6/2026 đến tháng 12/2028;
– Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị: từ tháng 1/2027 đến tháng 6/2029;
– Chạy thử và vận hành thử: tháng 6/2029 đến tháng 12/2029.