TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia hiến kế để vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển trong tương lai. |
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết – Phát triển nhanh và bền vững – Đột phá từ biển”, TS. Trần Du Lịch (Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia) cho rằng, các câu hỏi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại sự kiện này rất hay.
Theo đó, một trong những câu hỏi mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt với khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là: “Vì sao nó lại chưa phát triển; phát triển nhưng chưa như chúng ta mong muốn; phát triển chưa như ngang tầm tiềm năng?”.
TS. Trần Du Lịch đồng ý rằng, tiềm năng của khu vực này còn nguyên chưa sử dụng bao nhiêu, dư địa còn rất lớn. Vì thế mà bài toàn đặt ra, là làm sao để vùng này, đến thời gian nào đó, trở thành vùng đất phát triển chứ không phải vùng đất nghèo.
TS. Trần Du Lịch đưa ra dự báo, nếu tất cả cùng nhau đột phá, thì giai đoạn 2026 – 2035, chính là giai đoạn vùng này tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Muốn làm được điều đó thì bây giờ phải chuẩn bị tiền đề, thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực cho 10 năm đó.
Cải cách thể chế nhưng cụ thể là cái gì? Trả lời câu hỏi này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề ở đây là mở rộng cơ chế, phân cấp, trao quyền tự chủ cho các địa phương, giúp tăng sự nâng động của địa phương lên.
Tiếp đến, theo ông Lịch là cơ chế huy động vốn. “Vốn nhà nước tạo hành lang thông thoáng nhất, an toàn nhất để phát triển trong tương lai và quá trình phát triển giao thông tạo tiềm năng cho đô thị hóa. Đây rõ ràng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách và Bình Định đã làm được điều này. Riêng tuyến đường ven biển, nếu Bình Định khai thác tốt quỹ đất, dư sức tiếp tục làm giao thông. Khi giao thông được giải quyết sẽ giải quyết được các công trình khác”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.
Đồng quan điểm với Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng là xây dựng các tiểu vùng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Riêng tiểu vùng “giữa”, trong đó có Bình Định phải gắn với Tây Nguyên. Và Hội đồng tiểu vùng này cần được trao cơ chế hoạt động. Vấn đề nữa, theo TS. Trần Du lịch là. các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần quan hơn đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Dẫn câu chuyện “cảng chủ yếu chỉ xuất khẩu dăm gỗ thôi thì cực kỳ buồn”, TS. Trần Du lịch đề xuất, Nhà nước cần có tín dụng rẻ cho người dân trồng rừng, nguồn tín dụng tiêu dùng rẻ để họ sinh sống trong giai đoạn đó và xây dựng cơ chế bảo hiểm cháy rừng. Chính sách này theo ông là hoàn toàn làm được. Từ đó, vùng kinh tế phía Tây của khu vực này sẽ trở thành thủ phủ về công nghiệp gỗ, chứ không phải “bây giờ cứ trồng rừng 5 năm rồi đem bán thì xót xa lắm”.
TS. Trần Du lịch cũng cho rằng, công nghiệp nặng nên có quy hoạch tập trung, để giải quyết bài toán môi trường. Ông Lịch tin tưởng, sau Hội nghị này, Chương trình hành động của Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống.