Lâm Đồng “bội thực” nhà kính, nhà lưới và được cảnh báo gây xâm hại môi trường, cảnh quan. Ảnh: P.V |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 118,244 ha nhà kính, nhà lưới làm trái phép trên đất lâm nghiệp thuộc diện phải giải tỏa, tháo dỡ.
Đến hết tháng 11/2022, các địa phương đã vận động tự tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ được 97,0141 ha/118,244 ha, đạt 82,05%.
Trong đó, Đà Lạt 72,221 ha/73,9806 ha (đạt 98,97%); huyện Lạc Dương 4,666 ha/24,41 ha (đạt 19,12%); huyện Đơn Dương 14,74 ha/14,74 ha (đạt 100%); huyện Đức Trọng 2,8369 ha/3,5623 ha (đạt 79,64%); huyện Di Linh 0,88 ha/0,88 ha (đạt 100%); huyện Đam Rông 0,6711 ha/0,6711 ha (đạt 100%).
Cách đây chưa lâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt xâm hại môi trường, cảnh quan và gây tác động xấu việc phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tỉnh Lâm Đồng phải nhanh chóng quản lý nhà lưới, nhà kính, hiện đã hình thành vùng vi khí hậu tiêu cực ở nội ô Đà Lạt.
Xử lý thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Đề án này là giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; giảm dần diện tích nhà kính những vùng nội thị thành phố Đà Lạt, đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính và đến năm 2030 giảm 90% diện tích nhà kính so với hiện nay.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc rà soát, thống kê nhà kính xây dựng trái quy định của pháp luật; lập kế hoạch giải tỏa, di dời nhà kính xây dựng vi phạm, quản lý sử dụng diện tích đất sau giải tỏa, di dời…