Niêm yết lãi suất tiền gửi tối đa vẫn 9,5%/năm
Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất được các ngân hàng áp dụng mức tối đa 9,5%/năm cho kỳ hạn dài đối với nhà băng quy mô vừa và nhỏ. Còn với ngân hàng lớn từ 8,5 – 9%/năm ở kỳ hạn dài từ 1 năm trở lại.
Sở dĩ các nhà băng duy trì mức lãi suất tiền gửi cao ở kỳ hạn dài ngày là do áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN thì đến ngày 01/10/2023, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%, thay vì 34% hiện nay và tiếp tục điều chỉnh giảm thêm sau đó.
Chính điều này gia tăng áp lực đối với các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao khi phải huy động nguồn vốn dài hạn, khiến chi phí vốn cao hơn để có thể đáp ứng cho vay kỳ hạn dài, dẫn đến làm giảm lợi thế của các ngân hàng này.
Đáng chú ý là, ở một số nhà băng quy mô nhỏ vẫn tồn tại thực trạng thỏa thuận cộng thêm biên độ lãi suất ngoài cho khách hàng, với kỳ vọng thu hút tiền gửi, với biên độ cộng thêm từ 0,5-1%/năm đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì lãi suất trên 10%/năm, nhưng điều kiện khách hàng gửi tại quầy, với số tiền giá trị trên 1 tỷ đồng.
Còn tại một số nhà băng quy mô, lãi suất tiền kiệm có dấu hiệu giảm nhẹ. Cụ thể, tại Techcombank, lãi suất huy động cao nhất niêm yết là 9%/năm, trong khi hồi tuần trước là 9,2%/năm và trước Tết Quý Mão nhà băng này niêm yết mức cao nhất là 9,5%/năm đối với kỳ hạn dài.
OCB có lãi suất cao nhất 9,3%; SeABank ghi nhận mức 8,9%; MB 8,7%/năm… giảm so với mức tối đa 9,5%/năm trước Tết ở các kỳ hạn trên 1 năm. VietinBank, lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 8,5%/năm. Trong khi đó, trên kênh online lợi tức tiền gửi cao nhất mà khách hàng có thể nhận được chỉ là 8,2%/năm.
Đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, mức lãi suất cao nhất được niêm yết chính thức cũng có dấu hiệu giảm nhẹ. Chẳng hạn, tại GPBank, hiện lãi suất cao nhất cũng chỉ còn 9,5%/năm, thay vì 9,8%/năm như sau Tết Quý Mão.
Tuy nhiên, hiện đối vời kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm ngắn ngày từ 6 tháng trở xuống các ngân hàng vẫn niêm yết mức kịch trần 6%/năm. Kỳ hạn 6 -9 tháng, nhiều nhà băng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 9%/năm, thậm chí còn 9,2-9,5%/năm.
Trước đó, trong ngày 8/2, lãnh đạo các ngân hàng lớn cho biết đã đồng thuận giảm lãi suất huy động để có dư địa hạ lãi suất cho vay. Trong đó, với các nhà băng có vốn nhà nước dự kiến sẽ đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi tối đa về 8,7%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng có luôn chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, lãi suất huy động tiền gửi gần như đi ngang trong tháng 1/2023, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng và có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.
Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng, áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng.
BVSC kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, nhưng các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II/2023 cho đến khi Cục Dự trữ Liên bàng Mỹ (Fed) ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất qua đêm và kỳ hạn ngắn cũng có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao kỳ hạn dài ngày, cho dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm lượng tiền lớn ra thị trường.
Trong phiên giao dịch ngày 9/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút về gần 25.000 tỷ đồng, 9 thành viên tham gia trúng thầu giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,88%/năm. Còn chiều bơm tiền ra, chỉ có khối lượng hơn 1.664 tỷ đồng cho 2 thành viên với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Đây là phiên Ngân hàng Nhàn ước hút về lượng tiền nhiều nhất kể từ sau Tết Quý Mão đến nay.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 20.000 tỷ đồng, 8 thành viên tham gia trúng thầu giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%/năm.
Còn chiều bơm tiền ra, chỉ có khối lượng hơn 1.075 tỷ đồng cho 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Còn phiên giao dịch ngày 7/2, Ngân hàng Nhà nước hút về gần 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5,29%/năm; trong khi lượng tiền bơm ra hơn 3.184 tỷ đồng, với lãi suất 6%/năm.
Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, nhà điều hành đã bơm ra thị trường hơn 89.000 tỷ đồng, trong khi hút về gần 80.000 tỷ đồng. Tần suất hút tiền về trong những phiên gần đây với khối lượng cao gấp nhiều lần so với bơm ra đã khiến lượng tiền bơm ròng sụt giảm xuống còn khoảng 32.543 tỷ đồng.
Sau đợt tăng mạnh vào cuối tuần trước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu giảm những ngày gần đây, nhưng ngược lại tăng ở một số kỳ hạn dài ngày từ 3-6 tháng.
Cụ thể, ngày 8/2, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm còn 5,72% so với mức 6,05%/năm của 2 ngày trước đó; 1 tuần còn 6,1% giảm từ mức 6,75%/năm trong ngày 6/2; 2 tuần còn 6,04% xuống từ mức 6,26%/năm trong ngày 6/8; 1 tháng còn 7,7%/năm giảm từ mức 7,88%/năm.
Ngược lại, ở một số kỳ hạn lãi suất lại tăng trong ngày 8/2, chẳng hạn, kỳ hạn 3 tháng tăng từ mức 8,79%/năm trong ngày 6/2 lên 9,76%/năm và 6 tháng tăng từ 9,43%/năm lên 10,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng duy trì mức lãi suất 9,61%/năm.
Doanh số giao dịch sụt giảm ở các kỳ hạn, tuy nhiên vẫn tập trung vào kỳ hạn qua đêm với 1908.500 tỷ đồng, 1 tuần trên 19.000 tỷ đồng…
Lạm phát cao hơn kỳ vọng tạo áp lực lên lãi suất
Thế nhưng, các nhận định đưa ra từ các tổ chức tài chính, do áp lực lạm phát cao hơn kỳ vọng nên mặt bằng lãi suất chưa sớm giảm sâu mà kỳ vọng hạ nhiệt kể từ quý III/2023.
Các phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra cho thấy, lãi suất huy động dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%. Diễn biến này chịu tác động bởi quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung tương lớn trên thế giới và nhất là Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
Đồng thời, sau sự việc liên quan đến SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
HSBC dự báo, rủi ro tăng đối với lạm phát là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý I/2023 và quý II/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm 2023.
Theo báo cáo từ HSBC, lạm phát đã diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1/2023, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường.
Trong đó, lạm phát lương thực tiếp tục là yếu tố đóng góp lớn nhất, ở mức 6,1% so với cùng kỳ. Giá các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng lên, chẳng hạn như gạo, thịt gia cầm và trái cây chế biến, do mức tiêu thụ tăng khi đến gần những ngày nghỉ lễ.
Mặc dù giá dầu thế giới vẫn ổn định trong tháng 1/2023, nhưng thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam đối với xăng đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, khiến giá xăng bán lẻ trong nước tăng nhẹ.
Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang bùng nổ. Bức tranh về nhu cầu trong nước sẽ hiện lên rõ ràng hơn khi dữ liệu tháng 2 được công bố nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tiêu dùng vẫn đang tăng.
SSI cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Chính phủ đưa ra sẽ gặp khá nhiều thách thức. Theo SSI, rủi ro lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và là một trong những thách thức quan trọng đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của Chính phủ như điện hay y tế hay từ yếu tố mùa vụ.
Theo SSI, sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm ngoái, lãi suất huy động hiện tại đã ổn định hơn với mặt bằng vào khoảng 8-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 – 12 tháng, giảm 0,5% so với cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022 trong trường hợp thị trường tích cực, song nhóm phân tích đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa được giải quyết.
Một phần, do mức lãi suất trên vẫn được đánh giá tương đối cao so với các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và dân cư. Mặt bằng lãi suất huy động cao đã thu hút lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư.
Giới phân tích kinh tế – tài chính đưa ra nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng, không tăng lãi suất và cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp. FiinGroup cũng đưa ra nhận định, khả năng tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý I/2023 đã giảm.
ACBS kỳ vọng, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2023 nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng sau khi lãi suất VND đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn so với USD. Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi đồng USD suy yếu trên toàn cầu. Chỉ số USD-Index giảm mạnh từ mức đỉnh 114 xuống 104 sau khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5,25% trước khi giảm dần kể từ năm 2024. Như vậy, dư địa tăng lãi suất của Fed không còn nhiều trong năm 2023 so với mức lãi suất hiện tại là 4,5%. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá đối với đồng VND và tạo dư địa hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng trong năm 2023 của Chính phủ cũng sẽ giúp một lượng tiền lớn quay trở lại hệ thống và làm tăng vòng quay tiền của nền kinh tế. Theo đó, kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2023 là gần 726.700 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch năm 2022 và cao hơn 67% số ước thực hiện năm 2022.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn trong việc giải ngân ở cấp địa phương, tuy nhiên, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hứa hẹn sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công tích cực hơn so với những năm trước.
ACBS cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối chặt chẽ thông qua công cụ lãi suất thay vì hạn chế room tín dụng như năm ngoái. Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ ở mức tương đối dồi dào, nhưng trên mặt bằng lãi suất cao.