Đơn hàng giảm, lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. |
Phát biểu tại Tọa đàm “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” chiều nay (6/2), ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, nếu lãi suất cho vay trung, dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư.
“Cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa kiến nghị.
Mặc dù thừa nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, song ông Hòa cho rằng, ngân hàng nên có sự đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp. Với lợi nhuận ngân hàng tăng cao như thời gian qua, ngân hàng hoàn toàn có điều kiện để chia sẻ, hỗ trợ với cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng liên quan tới vốn, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho hay, sau dịch Covid-19, nhu cầu vốn để phục hồi của các doanh nghiệp ngành du lịch rất lớn. Tuy nhiên, doanh thu của ngành vẫn chưa thể phục hồi trong khi lãi vay tăng cao khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cũng cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng rất thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn mức tín dụng nhưng không dám vay thêm. Theo đó, các doanh nghiệp này chỉ mong mỏi được ngân hàng giảm thêm lãi suất không cần tăng hạn mức tín dụng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong khi doanh nghiệp FDI được tiếp cận vốn rẻ thì doanh nghiệp nội địa đang phải vay vốn với lãi suất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh.
“Trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa. Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được?”, ông Thiên lo lắng.
Mặc dù thừa nhận rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, song ông Thiên cho rằng, đây là bài toán cần nhanh chóng phải giải quyết.
Cụ thể, theo chuyên gia này, đầu tiên, cần có hệ thống giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI trong đó có việc giảm lãi suất cho vay. Tiếp đó là phải cải cách thủ tục hành chính, thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền. Đồng thời, phải cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Anh Quý,Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp và chuyên gia đã được Ngân hàng Nhà nước tiếp thu trong quá trình nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp.
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/2023/NQ-CP, ngành ngân hàng đã lập tức ban hành Chỉ thị 01 ngày 17/1/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Triển khai thực hiện Chỉ thị này, các ngân hàng đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.