Chủ tịch IPPG – ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa chia sẻ kết quả kinh doanh giới truyền thông. Theo đó, doanh thu năm ngoái của IPPG Fashion, đơn vị phụ trách mảng kinh doanh hàng hiệu của tập đoàn IPPG, tăng 64% lên mức 5.132 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi trước thuế của IPPG Fashion đạt 423 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 1,1 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay từ mảng kinh doanh hàng hiệu.
Thông qua hai công ty thành viên ACFC và DAFC, IPPG đang phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu thời trang tại Việt Nam. Trong đó có Christian Louboutin, Burbery, Dolce&Gabbana, Rolex, Cartier, Salvatore Ferragamo, Versace…
Nguyên nhân IPPG Fashion đạt được mức lợi nhuận kỷ lục này nhờ sức mua lớn của khách hàng phục hồi tốt sau thời gian bị kìm hãm vì dịch bệnh. Thậm chí, một số thương hiệu xa xỉ được ACFC và DAFC phân phối như đồng hồ hiện không có sẵn để giao ngay, khách muốn mua phải đặt trước để chờ nhận hàng.
Nhờ sự nhanh nhạy của thế hệ kế cận và việc áp dụng số hóa vào quản lý, bán hàng cũng góp phần tối ưu hiệu quả kinh doanh của IPPG giai đoạn vừa qua.
Trong đó, ái nữ Tiên Nguyễn, Phó tổng giám đốc phát triển thời trang cao cấp của DAFC chia sẻ về kế hoạch của năm 2023, sẽ là một năm tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm và thương hiệu.
Theo Tiên Nguyễn, DAFC đã đầu tư mạnh tay để hiện đại hóa các khâu, nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng hiện hữu và phân khúc khách hàng mới là GenZ, các sản phẩm cũng sẽ được lựa chọn trên nhiều tiêu chí hơn.
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên tại sự kiện của Burberry ở TP.HCM cuối năm 2022 |
Bên cạnh đó, DAFC tiếp tục khai thác những “mặt bằng vàng” ở cả TP.HCM và Hà Nội. Dự kiến ngay từ những quý đầu của năm 2023, một lượng lớn cửa hàng và nhãn hàng mới sẽ chào sân dưới sự phân phối chính hãng của DAFC. Với đà đó, cô kỳ vọng lợi nhuận và doanh số sẽ tăng trưởng hơn năm ngoái 30%.
Ngoài ra, ái nữ nhà “Vua hàng hiệu” cũng kỳ vọng nền tảng thương mại điện tử sang trọng hứa hẹn sẽ bùng nổ. Hàng loạt các thương hiệu tên tuổi và các dự án lớn đã cho thấy sự nhạy bén của DAFC với sự biến đổi không ngừng của thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
Năm ngoái, lợi nhuận từ mảng hàng hiệu cũng cao gấp gần 2 lần mức lãi của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco), đơn vị cũng do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch. Nhờ thị trường hàng không phục hồi mạnh, Sasco báo lãi trước thuế năm ngoái xấp xỉ 230 tỷ đồng, gấp 77 lần cùng kỳ và vượt xa kế hoạch 82 tỷ đồng công ty đề ra trước đó.
Doanh thu quý cuối năm của Sasco năm ngoái khoảng 560 tỷ đồng, tăng chín lần so với cùng kỳ 2021. Nguồn thu từ hoạt động bán hàng miễn thuế và phòng chờ sân bay đều tăng trưởng hai chữ số. Sau khi trừ chi phí, Sasco báo lãi sau thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp 33 lần so với cùng kỳ 2021. Con số này cũng đánh dấu giai đoạn lãi đậm nhất trong ba năm qua và cao hơn cả những quý trước khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.
Tại Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang giữ chức Chủ tịch từ giữa năm 2017, còn vợ là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên tham gia Hội đồng quản trị. Ba công ty liên quan đến doanh nhân này đang nắm hơn 45% vốn.