Ảnh minh họa |
Căng thẳng nguồn cung
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) đang tạm dừng phân xưởng RFCC (Residue Fluid Catalytic Cracking – cracking xúc tác tầng sôi liên tục) để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt áp tái sinh.
Việc tạm dừng phân xưởng khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu của tháng 1/2023 sẽ bị giảm 20 – 25% so với kế hoạch, tương đương khoảng 125.000 m3. Trong khi dự kiến tháng 1/2023, Lọc dầu Nghi Sơn sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000 m3 xăng dầu.
Mỗi tháng cả nước tiêu thụ 1,6-1,8 triệu m3 xăng dầu các loại. Trong đó, 40% số này do Lọc dầu Nghi Sơn cung ứng.
Để tránh lặp lại tình trạng gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện khẩn yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Lọc dầu Nghi Sơn sớm khắc phục sự cố, ổn định sản xuất.
Cụ thể, 2 nhà máy lọc dầu gồm Nghi Sơn và Dung Quất tăng công suất ở mức tối đa, sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác để bù đắp lượng thiếu hụt cho hợp đồng cung ứng xăng dầu đã ký.
Tháng 1 năm ngoái, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn từng cắt giảm sản lượng tới 25% so với sản xuất bình thường do khó khăn về tài chính. Nhà máy này sau đó đã được cấp vốn để vận hành trở lại, nhưng thị trường xăng dầu vẫn rơi vào xáo trộn do thiếu hàng.
Trong quý II/2022, nhà máy này tiếp tục giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời điểm gián đoạn không sản xuất. Tình trạng này khiến nguồn cung xăng dầu cực kỳ căng thẳng ở thị trường phía Nam và miền Tây.
Một số thương nhân đầu mối xăng dầu cho hay, do sự cố kỹ thuật của Nghi Sơn, nên phải từ ngày 17 đến ngày 20/1 mới có hàng trở lại. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn giảm công suất do biển động cấp 7-8, không tiếp nhận được dầu thô nên cũng làm ảnh hưởng nguồn cung. Do vậy, có thể nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn, nhưng sẽ khá căng thẳng và chiết khấu thấp.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) phân tích, sự cố kỹ thuật đột xuất tại các nhà máy sản xuất đều ít nhiều tác động đến thị trường xăng dầu, có thể ảnh hưởng đến việc cung ứng cho các doanh nghiệp đầu mối và thị trường có thể khan hiếm trong ngắn hạn.
Vinpa cho rằng, xu hướng nhập khẩu xăng dầu năm 2023 tiếp tục tăng, trước mắt là ngay trong tháng 1/2023, do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng tạm thời phân xưởng RFCC. Bên cạnh đó, vào các tháng 6-8/2023, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiến hành bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần 5 (TA5), kéo dài gần 2 tháng, sẽ khiến sản lượng xăng dầu trong nước sụt giảm, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tăng cường nhập khẩu, bù đắp thiếu hụt
Thị trường xăng dầu năm 2022 đã trải qua không ít biến động, trong một số thời điểm nguồn cung bị đứt gãy cục bộ, khiến người dân nửa đêm vẫn xếp hàng chờ đổ xăng. Sau những nỗ lực của cơ quan quản lý, điều chỉnh chính sách, hiện cung cầu xăng dầu đã tạm ổn.
Tuy nhiên, dự báo trong năm 2023, thị trường xăng dầu trong nước tiếp tục khó, chủ yếu do xăng dầu thành phẩm, phần lớn dầu thô phụ thuộc thị trường thế giới. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro khó lường do xung đột địa chính trị.
Nhận định thị trường xăng dầu năm 2023 còn nhiều diễn biến khó lường, từ cuối tháng 11/2022, Bộ Công thương đã họp bàn với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cùng các cơ quan trực thuộc để lên kịch bản chuẩn bị nguồn cung trong mọi tình huống cho năm 2023.
Bộ đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023: Kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương khoảng 27 triệu m3, tấn.
Bộ cũng phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, trên cơ sở quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, tình hình thị trường và nguồn xăng dầu sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn để thực hiện nhập khẩu và mua trong nước hơn 27,3 triệu m3, tấn; trong đó xăng là 11 triệu m3, dầu diesel là 14,5 triệu m3…
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được phân giao thực hiện tổng nguồn nhiều nhất với 10,2 triệu m3, tấn; tiếp đó là Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hơn 4 triệu m3, tấn; Công ty Xăng dầu Thanh Lễ 1,3 triệu m3, tấn…
Năm 2022, nguồn xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam đã tăng mạnh để đảm bảo nhu cầu trong nước. Theo Bộ Công thương, Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất. Tuy nhiên, trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất trong nước, thì 50% trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) để lọc. Thành thử, Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ 30% là nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.
Với 70% nguồn cung đến từ nhập khẩu, nên nguy cơ bị đứt gãy, thiếu hụt tăng cao trong một số thời điểm thị trường thế giới biến động.