Đi lên từ biển
Không quá khi nói rằng, biển đã trở thành một động cơ đẩy đưa TP. Đà Nẵng phát triển như ngày hôm nay. Bởi có giai đoạn, thành phố này quay lưng về phía biển, với những làng chài nằm chênh vênh bên chân sóng, cả Thành phố chỉ gói gọn trong không gian nhỏ bé của quận Hải Châu, quy mô kinh tế rất nhỏ.
Nhưng rồi, cuộc xoay mình về hướng biển đã mở tương lai cho vùng đất này. Nhiều cây cầu kết nối đôi bờ sông Hàn được xây dựng, mở không gian về phía biển; bãi biển nhếch nhác thuở trước đã trở thành biển xanh cát trắng, lọt vào top những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Những con đường ven biển kết nối với Hội An trở thành “con đường tỷ đô”, khi hàng loạt các thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới rót vốn đầu tư vào Đà Nẵng. Rất nhanh sau đó, từ một tỉnh lỵ nhỏ, Đà Nẵng vươn mình trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới, hình thành những dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Không chỉ du lịch, việc lấy biển làm mặt tiền đã mở ra không gian phát triển và sinh khí cho hàng loạt lĩnh vực của Đà Nẵng. Theo ông Huỳnh Huy Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng, Thành phố sở hữu nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển do có địa kinh tế thuận lợi, hệ thống hạ tầng được quy hoạch và xây dựng tốt, nhất là hạ tầng du lịch biển.
Kinh tế hàng hải của Đà Nẵng, mà trọng tâm là dịch vụ khai thác cảng biển, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi cảng Đà Nẵng thay đổi mô hình hoạt động và chuyển hướng kinh doanh sang đẩy mạnh khai thác hàng hóa container. Tiên Sa đã trở thành cảng biển quan trọng của khu vực.
Ngành khai thác và chế biến thủy hải sản cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đà Nẵng. Song song với đó, việc phát huy tiềm năng, lợi thế biển trong phát triển du lịch và dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đã tạo sản phẩm du lịch biển có tính đặc thù cao và xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Không những thế, Đà Nẵng đã hình thành một đô thị biển năng động và hiện đại, nơi “tìm đến” của nhà đầu tư bất động sản… Kể từ sau cuộc xoay chuyển về phía biển, tăng trưởng của TP. Đà Nẵng luôn đạt mức cao, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước. Kể vậy để thấy, không gian biển đã trở thành nền tảng và động cơ cho sự phát triển của thành phố này.
Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đà Nẵng đặt mục tiêu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Phát triển hài hoà các ngành kinh tế biển, từ du lịch và dịch vụ biển, đến phát triển kinh tế hàng hải với mục tiêu trở thành trung tâm cảng của miền Trung đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á, phát triển năng lượng tái tạo và khai thác hải sản bền vững… Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng.
Dẫu thế, còn nhiều trở lực để Đà Nẵng có thể hiện thực các mục tiêu đó. Khi kinh tế hàng hải của Đà Nẵng chỉ mới tập trung vào dịch vụ khai thác cảng biển, các đội tàu biển đều có tải trọng nhỏ, công nghệ lạc hậu và có năng lực cạnh tranh kém so với các hãng tàu quốc tế. Mặc dù được cải thiện đáng kể nhưng mức độ kết nối của cảng Đà Nẵng vào mạng lưới hàng hải toàn cầu vẫn còn ở mức khiêm tốn, quy mô thị trường hàng hóa chưa đủ lớn, dịch vụ logistics chưa được phát triển mạnh. Công nghiệp chế biến thủy hải sản chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, do năng lực khai thác và đánh bắt xa bờ của ngư dân chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn…
Nguồn lực dồi dào
Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, dự án đầu tiên mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đến động viên, đôn đốc tiến độ xây dựng là Bến cảng Liên Chiểu – Phần hạ tầng dùng chung. Ông Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu tập trung tối đa lực lượng để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bởi Cảng Liên Chiểu là dự án có tầm quan trọng bậc nhất của Thành phố.
Chỉ đạo ấy của lãnh đạo TP. Đà Nẵng là điều dễ hiểu, bởi cảng Liên Chiểu ý nghĩa rất quan trọng để định hình tương lai của vùng đất này. Khi đi vào hoạt động, cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng và miền Trung. Dự án sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực; và dự án này không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung…
Với vị trí vô cùng trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, Đảng và Nhà nước luôn đặt TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm của Vùng. Trong đó Thành phố được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực…
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ kinh tế biển, cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột để Thành phố phát triển. Dự án Cảng Liên Chiểu là bước đi đầu tiên để hiện thực hoá tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW cho sự phát triển của Đà Nẵng. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Đà Nẵng cũng được xác định là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
Còn trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mới được ban hành, Đà Nẵng tiếp tục được Đảng xác định trở thành trung tâm nhiều ngành, lĩnh vực của Vùng. Trong đó, nhấn mạnh đến yêu cầu Đà Nẵng sẽ đầu tư, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu; hình thành một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, phát triển Đà Nẵng thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu ra nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp Vùng.
Những Nghị quyết quan trọng đó cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương đối với thành phố Đà Nẵng; mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành, lĩnh lực, đặc biệt là kinh tế biển cho Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội nghị Quán triệt, triển khai Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Nghị quyết số 26-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng. Nghị quyết xác định Đà Nẵng có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của vùng. Đặc biệt, Nghị quyết đã nêu ra một nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp vùng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Đà Nẵng cũng cho hay, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, hoàn thành xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt. Từ đó tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế…
Đường hướng của Đảng đã dành vị trí trung tâm Vùng cho TP. Đà Nẵng, tạo một “bến cảng” rộng lớn, hiện đại để con tàu Đà Nẵng vươn xa.