Dù gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cán đích kế hoạch. Trong ảnh: Sản xuất tại CTCP Thực phẩm Sao Ta. |
Vượt mục tiêu đề ra
Cập nhật kết quả kinh doanh tháng 12/2022, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho biết, doanh số năm 2022 đạt khoảng 226 triệu USD, tương đương 5.336 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 340 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2021, vượt 6% kế hoạch. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 26 năm hoạt động của Sao Ta. Tuy nhiên, nếu tính riêng quý IV/2022, kết quả kinh doanh của Sao Ta đã chững lại khi lợi nhuận quý IV ước giảm 14,3% so cùng kỳ.
“Bước đi chậm rãi trong quý IV là bởi thị trường tiêu thụ trầm lắng và năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Do đó, sản lượng chế biến chỉ bằng 90% so với năm trước”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho hay.
Không riêng Sao Ta, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng “ngấm” ảnh hưởng từ những khó khăn trong thương mại. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức hồi tháng 12/2022, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường cho biết, lợi nhuận của công ty trong năm 2022 dự kiến đạt 600 tỷ đồng, doanh nghiệp ngành gỗ này báo lãi đi ngang trong quý IV. Dù vậy, sự hồi phục mạnh trong 3 quý đầu năm đã giúp lợi nhuận cả năm tăng trưởng 35-40% và hoàn thành vượt 9% kế hoạch đề ra.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng cho biết, Công ty đã cán đích và vượt gần 19% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận cả năm 2022 ước đạt 380 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2021. Sản lượng tiêu thụ vẫn vượt chỉ tiêu đề ra và vượt 20% công suất thiết kế dù Cao su Đà Nẵng đã có 3 lần tăng giá tất cả các dòng sản phẩm lốp.
Tương tự, Everpia – doanh nghiệp xuất khẩu bông tấm và kinh doanh sản phẩm chăn ga gối đệm với thương hiệu Everon cũng chững lại đáng kể trong quý IV. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, Everpia ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu và 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 14% kế hoạch lợi nhuận, hồi phục và vượt mức trước đại dịch.
Thận trọng, nhưng không bi quan
Liên tiếp trong các báo cáo gần đây, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đưa ra cái nhìn cẩn trọng về xuất khẩu – một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. HSBC đánh giá, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng chính là những khó khăn trong thương mại. Giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế giữ được mức tăng 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 10, nhưng đã nhanh chóng “quay đầu” giảm 8,9% và 14% trong tháng 11 và tháng 12/2022.
Theo HSBC, nhu cầu các thị trường bên ngoài đang yếu đi cũng là nguyên nhân khiến sản lượng chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống 46,4 điểm – là mức thấp nhất trong một năm rưỡi trở lại đây.
Thực tế, ảnh hưởng của “cơn gió nghịch” thương mại toàn cầu sớm được các lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận và được đánh giá là điều không tránh khỏi. Tình trạng sụt giảm đơn hàng, đối tác đề nghị hoãn giao đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy đơn hàng… đã diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Ngay tại lễ mừng giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu cán mốc 10 tỷ USD tổ chức vào giữa tháng 12/2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu trong quý I/2023. Lạm phát ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu khiến nhu cầu mua hàng, đặc biệt các sản phẩm giá trị cao như tôm hùm, tôm sú, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ… gần như đình trệ.
Thận trọng trong đánh giá tình hình, nhưng không đồng nghĩa với bi quan, bởi như lãnh đạo một công ty từng nói “khó khăn là bạn đường thủy chung với doanh nghiệp”. Có nguồn thu từ cả thị trường xuất khẩu và trong nước, ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc Everpia dự trù doanh số xuất khẩu mặt hàng bông tấm sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm chăn ga gối đệm, vị CEO này dự báo doanh số sẽ vẫn đứng vững. Tăng trưởng doanh thu có thể chậm lại, nhưng ông cũng có dự cảm lạc quan về khả năng đảo ngược tình thế, nhất là khi doanh nghiệp này dự kiến đưa nhà máy mới, diện tích 3,8 ha ở Đồng Nai đi vào hoạt động từ tháng 3/2023.
Câu chuyện đương nhiên sẽ khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao. Nhận định về tình hình các thị trường xuất khẩu tôm, lãnh đạo Sao Ta đánh giá, các thị trường lớn hiện vẫn “hết sức yên ắng”, sức tiêu thụ tại Mỹ giảm thêm ít nhiều sau cơn bão tuyết cuối năm 2022 vừa xảy ra. Hai năm theo đuổi chiến lược tăng thị phần tại Nhật Bản, một trong những thành công Sao Ta đạt được là người tiêu dùng Nhật Bản đã cảm nhận được chất lượng ổn định của sản phẩm.
Là điểm sáng so với hoàn cảnh chung, doanh nghiệp ngành tôm này vẫn đang có đơn hàng để chế biến hàng ngày, dù không nhiều. Chiến lược được CEO Sao Ta chỉ ra trong giai đoạn này là chuẩn bị cho phương án tăng tốc khi thời cơ đến. Năm 2023, ao nuôi tôm sẽ nhiều hơn để chủ động nguyên liệu, nhà máy mới khởi động từ đầu năm, tập dượt đội ngũ cùng việc sắp xếp cho các kho hàng để giảm thiểu tối đa chi phí.
Với Cao su Đà Nẵng, trong năm 2022, sản phẩm săm lốp đã thâm nhập thị trường Mỹ theo chiến lược thị trường mà doanh nghiệp này đề ra. Tăng trưởng doanh thu xuất khẩu riêng thị trường này đạt 20%, dù sức mua chung của nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng lãi suất và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lợi nhuận thấp hơn trong quý IV/2022, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này không hề bi quan và tin tưởng vào nhu cầu thiết yếu của hoạt động logistics cũng như sản phẩm săm lốp trên thế giới.