Thành công mô hình bán lẻ có lợi nhuận
Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của Quý IV/2022 và năm tài chính 2022.
Trong đó, The CrownX (TCX) – nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận doanh thu giảm nhẹ trong bối cảnh môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Cụ thể, The CrownX đạt doanh thu 56.221 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu quý 4/2022 đạt 15.496 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu TCX năm 2022 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu quý 4/2022 giảm 2,1% với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động, WCM mở mới 730 siêu thị mini trong năm 2022. Việc mở rộng điểm bán hàng loạt cho thấy WCM đã xây dựng thành công mô hình bán lẻ có lợi nhuận.
Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu WCM tăng 10,8% trong quý 4/2022 và tăng 6,4% trong năm 2022.
Quý IV/2022 và cả năm 2022, WCM đã mở mới lần lượt 253 và 730 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số WinMart+ lên 3.268 cửa hàng.
Đà tăng trưởng số lượng điểm bán đã cho thấy đây là mô hình bán lẻ có lợi nhuận sẵn sàng mở rộng quy mô với biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng là 6,5%.
WCM là chuỗi bán lẻ nhu yếu phẩm duy nhất gia tăng quy mô trong năm 2022 với số cửa hàng WCM được mở mới xấp xỉ với số cửa hàng đóng cửa của toàn thị trường. Điều này cũng cho thấy WCM đã lèo lái thành công qua một năm nhìn chung đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ nhu yếu phẩm.
Masan đã mở rộng hệ thống bán lẻ có hiệu quả kinh tế trên mỗi cửa hàng tốt nhất Việt Nam |
Mặc dù có số lượng cửa hàng mới mở đáng kể, WCM vẫn duy trì lợi nhuận bằng cách liên tục cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 22,2% trong quý I/2022 lên 24,0% trong quý IV/2022, đồng thời giữ mức giá cạnh tranh với thị trường.
Cụ thể, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA.
Trong quý IV/2022, WCM tập trung đổi mới mô hình cửa hàng và chương trình thành viên để củng cố vị thế trên thị trường bán lẻ và tăng trưởng doanh thu.
Công ty đã ra mắt các mô hình cửa hàng mới để củng cố thị phần tại thành thị và nông thôn. 102 cửa hàng WIN tại thành thị là mô hình bán lẻ có thể đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày đã mang lại mức tăng 20% doanh thu so với mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần túy.
Ngoài ra, mô hình WinMart+ mới tại khu vực nông thôn đã mang lại mức tăng doanh thu 15-30% với chi phí đầu tư thấp hơn 20% thông qua danh mục hàng hóa chọn lọc phù hợp với người tiêu dùng tại khu vực này.
Trong khi đó, MCH đã cải thiện lợi nhuận vào quý IV/2022, tuy nhiên doanh thu bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
MCH đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.561 tỷ đồng EBITDA. Khi chuẩn hóa tác động do người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa vào Quý 3/2021 và quý 4/2021, doanh thu MCH giảm 11,8% trong Quý 4/2022 và tăng 2,4% trong năm 2022.
Doanh thu sụt giảm trong quý IV/2022 chủ yếu do MCH kế hoạch cung ứng chặt chẽ hơn trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để đảm bảo mức tồn kho an toàn và bền vững tại các nhà phân phối.
Năm 2023, TCX sẽ đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu của Masan
Trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của toàn Tập đoàn ước tính sẽ từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% – 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong đó, TCX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. LNST ở các mảng kinh doanh chính dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ – 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, công ty ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 10% đến 15%.
Cụ thể, TCX dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 tỷ đồng đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022.
Trong đó, WCM sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
WCM đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart, mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn.
WCM sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để đầu tư vào các dịch vụ vì lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo mang đến giá cả cạnh tranh. Các sáng kiến này ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cửa hàng 5 – 10%.
Trong khi đó, doanh thu thuần của MCH dự kiến trong khoảng từ 30.500 tỷ đồng đến 33.500 tỷ đồng, tăng 15% – 30% so với năm trước nhờ chú trọng vào hoạt động R&D.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, MCH cần đẩy mạnh doanh thu từ các sản phẩm mới và tập trung chinh phục các khu vực địa lý chưa đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.
Thực phẩm tiện lợi, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân tại nhà dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính cho MCH, đóng góp xấp xỉ 2/3 tổng tăng trưởng doanh thu trong năm 2023.
Đây là chiến lược của MCH nhằm nắm giữ thị phần lớn hơn ở các ngành hàng có thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng mà MCH có mức độ thâm nhập chưa cao như ngành gia vị, nhằm duy trì mức tăng trưởng hàng năm 20% trong vòng vài năm tới.
Trong quý IV/2022, MCH đã tái tổ chức nhằm phát triển một mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng.