Nghệ nhân ưu tú Trần Xuân Triều |
Những tháng năm phiêu bạt, lăn lộn trên trường đời đã nhào nặn nên một nghệ nhân ưu tú Trần Xuân Triều bách nghệ, kỳ tài. Thẩm thấu, lĩnh hội một cách tài tình những yếu tố cốt lõi của nghề – dù hoàn toàn tự học, ở lĩnh vực nào, chất liệu nào, anh cũng đạt đến độ thăng hoa, thổi hồn mình vào tác phẩm. Khắt khe, cẩn trọng trong việc phục chế, bảo tồn di tích bao nhiêu, anh lại cởi mở trong sáng tác bấy nhiêu. Những tác phẩm nghệ thuật của anh là sự hội tụ diệu kỳ của tư duy sáng tạo, đôi tay tài hoa và nguồn cảm hứng vô tận từ tư duy “chơi với nghề”.
Tài năng thiên phú và “máu xê dịch”
In đậm trong ký ức tuổi thơ của Trần Xuân Triều là những đêm hội trăng rằm ở vùng quê lúa Kiến Xương, Thái Bình. Trong đám trẻ chạy theo hò reo cổ vũ đoàn múa lân về xã Vũ Hòa ngày ấy, có một cậu bé luôn bứt lên đầu để chiêm ngưỡng chú sư tử oai phong, dũng mãnh đang lắc lư, chuyển động theo nhịp trống thùng thình…
Hình ảnh lân sư đã gây ấn tượng rất mạnh trong tâm trí Trần Xuân Triều và cậu đã dùng đất sét để nặn thành chiếc đầu lân rồi vẽ màu trang trí y như thật. Những ngày sau đó, hôm nào đám trẻ trong làng cũng “đi rước đèn” với chiếc đầu lân ấy… Đó có thể coi là “tác phẩm đầu tay” của nghệ nhân Nam Tước sau này.
Về sau, người dân xã Vũ Hòa còn được chứng kiến tài năng của Trần Xuân Triều ở một “siêu phẩm” khác. Năm đó, người hàng xóm cạnh nhà cậu bé dẫn về một người thợ đắp tranh bằng xi măng để trang trí tường. Tay nghề điêu luyện của người thợ khiến cậu vô cùng ngưỡng mộ và bắt chước làm một bức tranh cho mình, nhưng xi măng không có, phải dùng vôi trộn với cát.
Tác phẩm hoàn thành một cách mỹ mãn sau đúng một tuần tỷ mỷ, kỳ công trau chuốt. Trần Xuân Triều dựng bức tranh lên để “chiêm ngưỡng thành quả” thì ôi thôi…, vôi cát rụng xuống lả tả, bao công sức đi tong… Dù tác phẩm không được “trình làng”, nhưng năng khiếu của cậu khiến nhiều người giật mình. Để khích lệ, người dân góp tiền mua xi măng để Triều hoàn chỉnh một bức tranh trang trí ở khu vực trung tâm của làng…
– Nghệ nhân Nam Tước
Với bản tính hiếu kỳ, ham học hỏi, Trần Xuân Triều học lỏm được không ít “bí kíp” từ nghề thợ xây của cha mình khi ông được giao phụ trách việc kiến thiết của xã, từ xây dựng mương, máng, cống thoát nước đến trạm xá, trường học… Dù chỉ nghe người lớn trao đổi xung quanh bản vẽ, nhưng cậu hiểu khá rõ về các hạng mục công trình, điều gì chưa rõ thì lân la hỏi cho rõ mới thôi…
Năm vào lớp 11, Triều nghỉ học để đi làm và bắt đầu chuỗi ngày dài phiêu bạt với đủ thứ nghề. Tiếng tăm của nghề thợ xây đưa anh đến nhiều vùng miền. Có lúc chán nghề, anh nhập hội đãi vàng ở Na Rì, Bắc Kạn, rồi vào Bến xe Miền Đông, Sài Gòn, lang thang xuống sông Bé… “Máu xê dịch” ngấm vào người lúc nào anh cũng chẳng nhớ rõ, chỉ biết là mọi vùng miền trên dải đất hình chữ S đều có dấu chân anh.
Gian nan lập nghiệp
Sau chuỗi ngày lang bạt, trở ra Hà Nội năm 1993 bằng chiếc xe Rebel 250 cm3 – đỉnh cao của dân chơi xe phân khối lớn thời điểm đó, gã lãng tử phong trần bụi bặm Trần Xuân Triều xin làm lái xe cho một trung tâm dưỡng sinh để được đi đây, đi đó thỏa mãn “máu xê dịch”, sau đó kiêm luôn chân quay phim, chụp ảnh.
Một lần đưa đoàn đến Bát Tràng vãn cảnh, anh lập tức bị làng nghề gốm cổ truyền này thu hút. Vốn có những hiểu biết nhất định về gốm và thấy khả năng của mình có thể làm được, Trần Xuân Triều quyết định khởi nghiệp tại Bát Tràng. Bán chiếc xe máy để lấy vốn thuê xưởng, mua vật tư làm gốm, anh dồn hết tâm huyết vào những tác phẩm của mình.
Sau một thời gian, sản phẩm ra lò mỹ mãn, nhưng thật trớ trêu là không thể tiêu thụ được trên thị trường. Lý do là Trần Xuân Triều đã bỏ qua nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường” trong kinh doanh, một mình đơn độc trong sự liên kết của làng nghề ngàn năm tuổi…
Đúng vào lúc Trần Xuân Triều chán nản đến cực độ, một người trong làng tới rủ anh làm chung. Sau khi thống nhất với nhau là: “vốn ngang nhau, ông lo đầu ra, tôi lo thiết kế và sản xuất”, họ bắt tay vào làm, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy… Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái, thì người góp vốn chơi xấu, đẩy Trần Xuân Triều khỏi cuộc chơi khiến anh một lần nữa tay trắng.
Lập gia đình năm 2000, trong túi Trần Xuân Triều chỉ có số tiền bằng đúng 3 ngày công thợ. Để có tiền trang trải đám cưới, anh nặn một con rồng và bán cho một đại gia với mức giá cực khủng… Sau đó, anh chấp nhận đi làm thuê để thực hiện trọng trách trụ cột gia đình.
Vay mượn họ hàng, anh mua một chiếc Honda 67 – loại xe không còn phổ biến lúc đó. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng anh chạy xe từ nhà vợ (Văn Giang, Hưng Yên) lên lò gốm Bát Tràng, chiều xuôi về Văn Giang làm một xe rau ngược lên chợ Long Biên đổ cho lái buôn, rồi quay về Bến xe Gia Lâm kiếm khách nhân tiện đường về… Tối đến, anh lại miệt mài vẽ mẫu tượng, lọ hoa, con giống… đến tận hơn 2 giờ sáng.
Trần Xuân Triều còn lên biên giới “đánh” xe máy “Tàu” về bán. Khoản lãi lớn không những giúp anh trả được hết nợ nần, mà còn có vốn lận lưng để phát triển nghề xây dựng. Năm 2001, anh nhận công trình xây dựng đầu tiên, đó là một tòa tháp khủng tại Trạm Lộ (Thuận Thành, Bắc Ninh) – quê hương của một nữ Việt kiều Mỹ.
Anh vẫn nhớ rằng, anh trai của nữ Việt kiều từng học Trường Kỹ nghệ Đông Dương của Pháp trước đây, nên “việc xây dựng không thể lơ là được”. Dường như không tin vào việc một người thợ xây trẻ tuổi có thể tự tay làm ra bản thiết kế của một công trình phức tạp như vậy, nên họ nói bản vẽ bị thất lạc và yêu cầu Trần Xuân Triều vẽ lại. Trước sự “giám sát” của nhiều người, anh đã nhanh chóng hoàn tất yêu cầu này.
Đến khi đặt móng cho tòa tháp, một lần nữa, tài nghệ của Trần Xuân Triều khiến “ông kỹ nghệ” vô cùng kinh ngạc, bởi anh không cần dùng thước mét để lấy góc vuông mà vẫn cắm móng “chuẩn không cần chỉnh”. Thành công trong việc xây dựng tòa tháp này đưa tiếng tăm của Trần Tước ngày càng vang xa, nhiều người không quản ngại xa xôi đến mời anh trực tiếp triển khai thi công công trình của họ…
Thành công nối tiếp thành công
Thời điểm sắp diễn ra Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014-2019) vào tháng 10/2019, một người bạn thấy Trần Xuân Triều có bộ cánh cửa chạm sen độc nhất vô nhị nên rủ anh “tham gia tý cho vui”. Thế là anh tháo cả bộ 12 cánh cửa mang đến Triển lãm và đạt giải Nhất.
Mất bao công sức gây dựng và khẳng định thương hiệu nghề xây và mộc, nhưng Trần Xuân Triều không giữ riêng cho mình, mà tặng lại thương hiệu này cho anh em trong đội thợ, còn giúp cả bản vẽ khi cả đội bó tay vì “khoai” quá, rồi đứng ra nhận công trình giúp mọi người có việc làm… Có người thợ gắn bó với anh 18 năm liền chỉ vì sự đồng cảm, chia sẻ mọi khó khăn, nhường cơm xẻ áo lúc cơ hàn.
Quay trở lại với nghề gốm, dấu ấn của Trần Xuân Triều đậm nét ở dòng gốm linh vật, dòng gốm nghệ thuật điêu khắc cùng tiến trình lịch sử dân tộc và dòng gốm trang trí kiến trúc hiện đại. Năm 2010, anh tham gia Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam lần thứ VII Cúp Thăng Long 1.000 năm với tác phẩm “Người con của Rồng” và đạt giải Khuyến khích cùng với giải Ba sản phẩm tiêu biểu.
Năm 2011, Trần Xuân Triều vinh dự là một trong những nghệ nhân làng nghề đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý nghệ nhân ưu tú… Anh chọn nghệ danh Nam Tước như một sự nhắc nhở mình luôn giữ phẩm chất, tước hiệu cao quý của nghề. Anh là người trùng tu, phục chế nhiều di tích lịch sử trên cả nước, như Cung điện vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa; trùng tu và tôn tạo các di tích ở Huế, Bắc Ninh, Hà Nội…
Nhiều tập đoàn lớn đặt hàng nghệ nhân Nam Tước trang trí những công trình kiến trúc hiện đại như Khách sạn InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort, các công trình của Sun Group, Vingroup. Anh đã đưa những tác phẩm linh vật gốm đến mọi miền đất nước, như tác phẩm “Sơn Nam Thủy tổ” cung tiến tại Đền Hùng (Phú Thọ); “Linh nghê” cúng tiến tại Đền Đô (Bắc Ninh); “Kỳ lân” cung tiến ra đảo Nam Yết (Trường Sa Lớn)…
Điều đáng tự hào là, Nam Tước cũng là một nghệ nhân hiếm hoi xuất khẩu trên 5.000 pho tượng gốm sang Anh quốc – một thị trường đặc biệt khắt khe trong nghệ thuật trưng bày, bởi người Anh nói riêng và người phương Tây nói chung rất hiếm khi trưng bày tượng dân gian, nhất là tượng từ châu Á.
Mang tư duy “chơi với nghề”, nghệ nhân Nam Tước thành công trong thiết kế trên các chất liệu đồng, sơn mài, giấy dó, sơn dầu… Mỗi chất liệu có đặc trưng riêng, nên sự sáng tạo vô cùng phong phú với cảm xúc mới, ý tưởng mới và nguyên tắc của anh là không bao giờ chép lại hoặc làm cái gì trùng lặp.
Hiện tại, nghệ nhân Nam Tước có khoảng 3.000 bản vẽ tay về hoa văn họa tiết đình, chùa, đền, miếu, tượng Phật, tượng dân gian, tượng linh thú, tranh giấy dó, họa tiết trên chất liệu đồng. Đó là công sức của bao nhiêu năm miệt mài tự học và sáng tạo, tất cả đều được vẽ thủ công hoàn toàn, không dùng máy.
Nghệ nhân Nam Tước dự kiến, năm 2023 sẽ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia các tác phẩm đã đặt ở những di tích trên mọi miền Tổ quốc và sau đó sẽ làm lễ rước toàn bộ tượng, linh vật về tặng Bảo tàng tỉnh Thái Bình quê hương anh.