Trong đơn, nhóm doanh nghiệp viết: “Những quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt ngãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu”.
Đây không phải lần đầu tiên, các doanh nghiệp xăng dầu phải có đơn kiến nghị khẩn cấp kể từ đầu năm 2022, sau khi thị trường xăng dầu toàn cầu biến động vô cùng phức tạp, khó lường.
Hồi tháng 10 năm ngoái, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở khu vực TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cùng ký chung đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Lần này, số doanh nghiệp tham gia đứng đơn trải dài khắp cả nước, nắm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu cả nước.
Vấn đề là, những kiến nghị mà các doanh nghiệp đề cập từ trước lại tiếp tục được nhắc lại, nhưng với nhiều lo ngại hơn. Trong cuộc làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vài ngày trước, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đang bị đẩy đến chân tường, có doanh nghiệp khó cầm cự thêm…
Đây không phải là tâm tư của riêng doanh nghiệp xăng dầu. Doanh nghiệp điện cũng đang trong bối cảnh khó khăn vô cùng. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải báo cáo Bộ Công thương về viễn cảnh không còn tiền trong tài khoản vào giữa năm nay nếu giá điện vẫn giữ nguyên như hiện tại…
Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang ngồi trên đống lửa, khi đến thời điểm này, cho dù rất nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp đã được đưa ra, được đặt lên bàn bàn thảo ở rất nhiều nơi, nhiều cấp, nhưng đường hướng để các nguồn lực đang nằm trong nhiều dự án vận hành trở lại vẫn chưa rõ ràng…
Đặt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức khó lường, thị trường thu hẹp, chi phí hoạt động sản xuất gia tăng, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó, lãi suất cao…, sẽ dễ hiểu vì sao, các doanh nghiệp lại liên tục gửi kiến nghị, đơn thư khẩn cấp.
Trong cuộc họp Chính phủ tháng 1/2023 diễn ra ngày hôm qua (2/2), những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cũng tiếp tục có mặt, không chỉ ở góc độ số doanh nghiệp thành lập mới giảm, đơn hàng mới giảm, thêm doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc… Có bộ trưởng, chủ tịch tỉnh đã phải nhắc đến tình trạng những vướng mắc về hành chính, những kiến nghị của doanh nghiệp chậm được giải quyết, coi đó như một trong những thách thức lớn của nền kinh tế trong năm nay.
Thực ra, nhìn vào các đề xuất chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc họp này, cũng như nhiều cuộc họp trước đó của Chính phủ, những giải pháp được Chính phủ liệt kê bao quát hầu hết các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đề cập.
Có thể nhắc đến các giải pháp góp phần giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ điều hành tín dụng, lãi suất hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất – kinh doanh… Các phương án tiếp tục miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân; xem xét sửa đổi chính sách hỗ trợ lãi suất 2% hay sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp… cũng liên tục được nhắc đến.
Trong kế hoạch làm việc của nhiều bộ, ngành, các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cũng rất dày dặn, đều đặn. Chưa kể, các yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… là nhiệm vụ thường xuyên mà Chính phủ yêu cầu thực hiện khi đưa nội dung này vào Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Song, khi doanh nghiệp vẫn đang phải gửi các đơn kiến nghị khẩn cấp, thì có nghĩa, những gì mà cộng đồng doanh nghiệp cần là phải nhanh hơn, cụ thể hơn và thực tiễn hơn.