Ông SHIMIZU Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) |
Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào ngày 21/9/1973. Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, các ưu tiên hỗ trợ của JICA dành cho Việt Nam tập trung vào “Đối phó với đại dịch Covid-19 (chủ yếu trong lĩnh vực y tế)” và “Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 (chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng)”, phù hợp với chính sách của Chính phủ Việt Nam về “Cân bằng giữa phòng chống đại dịch và phát triển kinh tế”.
JICA sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc củng cố hệ thống y tế, cụ thể là nâng cấp hệ thống chẩn đoán và điều trị của các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, nâng cao năng lực nghiên cứu và xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) và tăng cường năng lực cho nhân viên y tế của các bệnh viện địa phương.
Về hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản và Việt Nam đã dành ưu tiên cao cho Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 tại TP.HCM, đoạn Bến Thành – Suối Tiên. Cho đến nay, tất cả các toa tàu đã được vận chuyển về Việt Nam, công việc xây dựng cũng được đẩy nhanh để tuyến metro này sớm được đưa vào sử dụng.
JICA cũng đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa việc cung cấp năng lượng trung hòa carbon, cụ thể là Dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị được tài trợ theo Chương trình Cho vay và Đầu tư hải ngoại vào tháng 5/2021 và đã bắt đầu đi vào hoạt động cuối tháng 10/2021. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ dự án nhà máy điện mặt trời, được kỳ vọng sẽ góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực làm nền tảng cho quá trình tăng trưởng cũng là nội dung hợp tác được JICA chú trọng tại Việt Nam. Theo đó, Trường đại học Việt Nhật (VJU) đến nay đã có 260 sinh viên tốt nghiệp và 138 sinh viên mới theo học. Ngoài ra, hiện có 43 cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam đang theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học tại Nhật Bản theo Chương trình học bổng Phát triển nguồn nhân lực JDS. Trong năm 2023, dự kiến có thêm khoảng 50 cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam đến Nhật Bản học tập trong khuôn khổ chương trình này.
JICA cũng sẽ tiếp tục tập trung vào chương trình hợp tác cấp cơ sở, trong đó có hoạt động cử tình nguyện viên đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Sau một thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp tục tiếp nhận tình nguyện viên theo chương trình của JICA và chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tăng cường số lượng tình nguyện viên lên đến quy mô tương tự như trước đại dịch Covid-19 với trung bình hơn 30 tình nguyện viên được cử đến Việt Nam mỗi năm. Trong năm 2023, JICA sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam tập trung phát triển kinh tế và mở rộng “mạng lưới an toàn”, bao gồm cả lĩnh vực y tế, nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi và tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao.
Kết nối hai nền kinh tế
Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhưng yếu tố thúc đẩy và đóng góp cho tốc độ tăng trưởng này là mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Trước đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện nay hầu như không thay đổi so với khoảng 10 năm trước – chỉ ở mức khoảng 30%, trong khi đó tỷ lệ này là khoảng 60% ở Trung Quốc và gần 50% ở Thái Lan.
JICA đã và đang nỗ lực hỗ trợ nhiều địa phương ở Việt Nam gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, bao gồm cả từ Nhật Bản. Cụ thể, chúng tôi đang hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua cung cấp thông tin và hướng dẫn về thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp quan tâm. Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh phù hợp và khắc phục những thiếu sót về kỹ thuật tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản.
Cùng với chương trình này, JICA đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một dự án vay vốn hỗ trợ 13 trường dạy nghề và một dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam. Các dự án này đang gặp khó khăn do có sự thay đổi đột ngột và không định trước của một số quy định liên quan về phía Việt Nam.
Nếu tất cả các thủ tục chuẩn bị được hoàn thành và dự án được triển khai, chúng tôi hy vọng rằng, thông qua đó, việc đào tạo lực lượng lao động trẻ và có tay nghề tại Việt Nam sẽ được cải thiện dần dần với những tác động đáng kể. Một trong những đặc điểm đáng chú ý của chương trình hợp tác của JICA là các chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ từ giai đoạn bắt đầu dự án để sau đó các cán bộ Việt Nam có thể tự triển khai hoạt động đào tạo lại.
Chúng tôi cũng tin rằng, nguồn vốn ODA sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Gần đây, Việt Nam đã cắt giảm đáng kể việc vay vốn từ nguồn ODA và thay thế bằng nguồn khác, như trái phiếu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ tăng trưởng kinh tế và nguồn vốn ODA sẽ vẫn giúp ích với nhiều vai trò khác nhau cho hoạt động này. So với các công cụ tài chính khác hiện có trên thị trường, vốn vay ODA từ Nhật Bản có ưu đãi tốt hơn với thời gian trả nợ dài (khoảng 30 – 40 năm), lãi suất thấp và cố định. Cơ chế ưu đãi này phù hợp với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và chất lượng cao như Dự án Tuyến đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM.