Mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị – Savannakhet – Salavan đã đi vào bình diện mới, mang tính chiều sâu |
Vị thế đặc biệt trong hợp tác kinh tế
Là điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Trị có chung đường biên giới và có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, truyền thống văn hóa với 2 tỉnh của nước bạn Lào là Savannakhet và Salavan. Sợi dây kết nối giữa các địa phương này càng thêm thân thiết, gắn bó trong lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa, thăm viếng lẫn nhau từ nhiều năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng cho biết, năm 2022 được lựa chọn là Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào và 45 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, với chuỗi hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Cũng dịp này, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các hoạt động sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với nhiều hoạt động phong phú, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi; tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng – Quảng Trị 2022 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, gian hàng đến từ các tỉnh bạn Lào.
Các trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có sinh viên Lào tham gia học tập cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao giữa sinh viên Lào và Việt Nam. Cùng với đó, các lực lượng chức năng quản lý biên giới của hai bên cũng đã tổ chức những chương trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh Savannakhet, Salavan…
Ngược dòng thời gian, gần 18 năm trước (tháng 8/2005), Quảng Trị đã mạnh dạn thực hiện mô hình kết nghĩa bản – bản giữa hai biên giới. Đây là sáng kiến đầu tiên để thực hiện Đề án “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự thôn bản khu vực biên giới” và đề tài khoa học “Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Salavan và Savannakhet”, của Tỉnh ủy Quảng Trị.
Theo đó, giữa 3 địa phương đã có tới 9 cặp bản có mối quan hệ thâm sâu, tạo chuyển biến trong nhận thức, tránh tình trạng xâm canh và giúp nhau phát triển về kinh tế, văn hóa, bảo vệ khu vực biên giới an toàn, lành mạnh.
Quảng Trị còn đặc cách trong việc sử dụng ngân sách địa phương để giúp xây mới trường học, trạm xá, cung ứng cây giống, vật nuôi… cho hai tỉnh Savanakhet và Salavan.
Mở rộng hợp tác, tháng 4/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 626-QĐ/TU thành lập Tổ công tác của tỉnh Quảng Trị, phối hợp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế – xã hội đặc thù (gọi tắt là Tổ công tác 626). Trong đó có nội dung xây dựng Đề án Khu kinh tế – thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan, đề xuất Chính phủ hai nước cho thí điểm thực hiện mô hình này.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, là những địa phương nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, xuất phát từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa chính trị – kinh tế quan trọng của tuyến đường 9 và khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo – Densavan, nên trước đó (ngày 7/1/1997), tại cuộc gặp giữa Bộ Chính trị hai nước Việt – Lào, đã thống nhất nội dung “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo – Densavan”, “giao Chính phủ và Ủy ban Hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới là cần thiết trong bối cảnh kết nối kinh tế, thúc đẩy hợp tác, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng đang trở thành xu thế chung của các quốc gia trong khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17, diễn ra vào tháng 12/2010 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), trong đó đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người, bao gồm nhiều dự án hợp tác xuyên biên giới.
“Trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam – Lào, mặt bằng tại khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo – Densavan là thuận lợi nhất để hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung. Mặt khác, hai nước đã thành lập 2 khu kinh tế, nên việc thực hiện thí điểm về khu kinh tế – thương mại xuyên biên giới chung sẽ thuận lợi. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để nghiên cứu, nhân rộng ra các địa phương khác của hai nước”, ông Hà Sỹ Đồng cho hay.
Thực hiện sứ mệnh hợp tác và phát triển
Để phát triển toàn diện, thì chỉ riêng nỗ lực của Quảng Trị là chưa đủ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho hay, với mong muốn chuyển đổi mô hình hợp tác từ tập trung vào công tác hữu nghị truyền thống sang mô hình hợp tác kinh tế theo hướng hai bên cùng có lợi và mang tính bền vững, cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào tăng cường trong hợp tác kinh tế.
Cụ thể là hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương có biên giới tiếp giáp với nhau cùng phối hợp thực hiện công tác quy hoạch tổng thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi tỉnh; trong đó ưu tiên quy hoạch tại khu vực các cửa khẩu để tạo sự kết nối đồng bộ cửa khẩu hai bên biên giới.
Thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực. Tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá hai nước Việt Nam – Lào trở thành điểm đến chung với du khách quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm, chúng ta không thể đứng ngoài chuyển động của kinh tế số toàn cầu, các địa phương cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử…
Bên cạnh đó là định hướng phát triển bền vững dựa trên phát huy nội lực. Giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn phía Lào có rất nhiều điểm tương đồng, đó là cùng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch, nông nghiệp, cần hợp tác phát triển đa dạng trên quy mô lớn để sản xuất nông nghiệp xanh, công nghệ cao, thực phẩm sạch… sao cho vừa bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo, vừa tăng cường xuất khẩu.
Thực hiện sứ mệnh hợp tác, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm hỗ trợ các tỉnh của nước bạn Lào lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua một tập đoàn có uy tín đã hợp tác lập quy hoạch tại tỉnh Quảng Trị. Cuối năm 2022, Hội đàm cấp cao giữa 3 tỉnh Quảng Trị – Savannakhet – Salavan tại TP. Đông Hà là dịp để các bên nhìn nhận lại kết quả hợp tác toàn diện giai đoạn 2020 – 2022 và tiếp tục ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới (2023 – 2025).
Tại sự kiện này, ông Santiphap Phomvihane, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet đã
chia sẻ, Hội đàm cấp cao giữa 3 tỉnh Quảng Trị – Savannakhet – Salavan là dấu mốc quan trọng và chứng minh cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Lào cũng như 3 tỉnh Quảng Trị – Savannakhet – Salavan. Trong đó, có những tín hiệu vui ban đầu như việc ký kết hợp đồng hợp tác với liên danh Công ty Sakae Holding – Surbana Jurong nhằm giúp tỉnh Savannakhet hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, khai thác thương mại biên giới tại cửa khẩu Densavan.
Tỉnh Savannakhet cũng phối hợp với Quảng Trị tháo gỡ những khó khăn trong giao thương như vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi hàng hóa nông sản dọc biên giới.