Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende tại cuộc họp ở Cologny, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đó là khẳng định của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende trong diễn văn bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 53 của WEF ngày 20/1, khép lại 5 ngày thảo luận sôi nổi tại Davos (Thụy Sĩ).
Ông Brende cho biết 5 ngày qua, WEF đã đạt tiến bộ trong nhiều vấn đề như tham vọng khí hậu, tăng trưởng công bằng và công nghệ biên giới.
WEF 2023 với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh” đã diễn ra trong bối cảnh các thách thức toàn cầu chưa từng thấy, như lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị.
Tuy nhiên, đến cuối hội nghị, ông Brende bày tỏ tin tưởng rằng “chúng ta có thể định hình một tương lai công bằng, bền vững, và kiên cường hơn”. Ông cũng nói thêm rằng: “Cách duy nhất để làm được điều đó là làm cùng nhau”.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres cũng nhận định rằng “thế giới chúng ta đang đối mặt với cơn bão trên mọi mặt trận”, việc tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu hiện nay sẽ rất khó khăn nếu thế giới không đoàn kết, thống nhất, mà chia rẽ về địa chính trị và thiếu lòng tin vào các thế hệ.
Trong các phát biểu tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đều kêu gọi thế giới hàn gắn các chia rẽ và khôi phục lòng tin. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: “Đã đến lúc theo đuổi lộ trình hợp tác trong thế giới phân mảnh của chúng ta”.
Hội nghị thường niên lần thứ 53 của WEF có sự tham dự của hơn 2.700 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tài chính. Chương trình của Hội nghị WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới.
Davos 2023 khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi của ngành; việc làm, kỹ năng, di động xã hội và sức khỏe; và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.