Bởi thế, điều quan trọng là làm sao hóa giải được thách thức, tận dụng được mọi cơ hội phát triển để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển, đạt các mục tiêu đã đề ra, trong đó có tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5%.
Thực tế, đây là bài toán không dễ giải, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp hơn, thậm chí một số đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế, suy giảm tăng trưởng, nhưng lại vẫn vật lộn, quay cuồng trong lạm phát cao. Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước từ cuối năm 2022 cũng đã phát lộ các yếu tố rủi ro đặc biệt trong hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Thêm nữa, tăng trưởng 6,5% trên nền tăng trưởng cao 8,02% của năm 2022 cũng là một thách thức không nhỏ.
Nhưng trong thách thức, khó khăn, cơ hội của nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn còn đó. Chính vì vậy, việc làm thế nào để tận dụng được mọi cơ hội này để đưa nền kinh tế tiếp tục tiến bước trong hành trình phục hồi và phát triển là vô cùng quan trọng.
Đà phục hồi của năm 2022 là một điểm tựa quan trọng. Năm 2023, Chính phủ cũng đã quyết tâm thực hiện một loạt giải pháp, mà một trong số đó là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có gói hạ tầng 113.000 tỷ đồng. Hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm 2023 cũng là một nguồn lực quan trọng, nếu giải ngân tốt thì sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Nhìn dòng du khách đông vui đổ về các trung tâm du lịch, lễ hội lớn trong dịp Tết mà lòng tràn đầy kỳ vọng…
Chính những yếu tố này đã làm cho “bầu không khí” chung của kinh tế vơi bớt nỗi lo và trở nên lạc quan hơn trong một năm 2023 đầy khó khăn, thử thách.
Năm 2022, trong thành công chung của nền kinh tế, ngoài các yếu tố liên quan đến sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, không thể không nhắc tới sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, của toàn hệ thống chính trị.
Năm 2023, ngay từ những ngày đầu năm, đã lại một lần nữa thấy tinh thần ấy, sự quyết tâm ấy. Ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong suốt những ngày nghỉ lễ kéo dài, Chính phủ lại một lần nữa làm việc xuyên Tết, xuyên Việt. Các thành viên Chính phủ thường xuyên có mặt trên các công trường xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm, suốt từ Bắc vào Nam.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, các địa phương, các doanh nghiệp cũng đã ra quân sản xuất, với khí thế sôi nổi, nỗ lực cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Thậm chí, ngay trong dịp Tết, một số cửa khẩu biên giới đã mở cửa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trở lại.
Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ là một biến số mới ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam 2023. Khó khăn có, nhưng thuận lợi cũng nhiều, tạo điều kiện để thông thương hàng hóa và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh.
Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã ngay lập tức họp bàn để tập trung khiển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Đã nghe Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương ngay sau Tết phải khẩn trương, tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế – xã hội…
Một loạt nhiệm vụ trọng tâm cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, trong đó có việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 01…
Khó khăn, thách thức là rất lớn, nên nhiệm vụ của năm 2023 càng nặng nề hơn. Không dễ vượt qua, nhưng một khi quyết tâm và biết cách tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, thì khó khăn, thách thức sẽ được hóa giải, kinh tế 2023 sẽ tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng.